Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Thanh Thủy là vùng bán sơn địa, nên lâu nay kinh tế của người dân trong huyện vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên, đồng ruộng ở đây còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặc dù huyện đã thực hiện chính sách dồn đổi ruộng đất, nhưng do đặc điểm địa hình nên khó hình thành được những cánh đồng mẫu lớn. Đó là lý do khiến việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong huyện vẫn còn gặp khó khăn.
Trước thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn áp dụng phương pháp truyền thống, sử dụng sức lao động của nông dân là chính, anh Phan Bá Hùng, sinh năm 1992 ở khu 4, xã Tu Vũ đã quyết tâm nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp máy xới cỏ đa năng nhỏ gọn, dễ di chuyển, tốn ít nhiên liệu, nguyên liệu lắp đơn giản, giá thành máy thấp và nhất là phù hợp với địa hình đồng ruộng ở địa phương. Từ đó, góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề ruộng đất bỏ hoang do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp. Qua kiểm nghiệm thực tế, máy xới cỏ đa năng của anh Hùng có thể tiết kiệm 70-80% thời gian so với cách làm thủ công thông thường và tiết kiệm 80-90% chi phí thuê nhân công.
Anh Phan Bá Hùng chia sẻ: “Xuất thân từ nhà nông, tôi thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn của người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn. Vì thế, tôi luôn trăn trở tìm cách nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công. Sau nhiều tháng tìm tòi, học hỏi, đầu năm 2022 tôi đã cho ra đời chiếc máy xới cỏ đa năng đầu tiên. Chiếc máy này có thể thay thế khoảng 3 lao động, mang lại năng suất cao, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhiên liệu và công sức cho người nông dân. Đến nay, tôi đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ lắp ráp máy xới cỏ đa năng cho nhiều nông dân trong vùng để mọi người dễ dàng áp dụng vào canh tác cây trồng, giảm chi phí mua sắm nông cụ”.
Anh Dương Thanh Tới kiểm tra các sản phẩm sau khi lắp ráp chuẩn bị xuất xưởng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, anh Dương Thanh Tới (sinh năm 1988) được nhiều người biết đến khi nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, góp phần giảm bớt sức lao động, tăng năng suất sản xuất.
Anh Tới tâm sự: “Hằng ngày chứng kiến cảnh người dân trong xã đập đất, sàng đất đóng bầu ươm cây giống rất vất vả, nên tôi nảy ra ý tưởng sáng chế những công cụ, máy móc phục vụ sản xuất cho gia đình và bà con xung quanh. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau gần 3 tháng chạy thử để đánh giá hiệu quả và khắc phục những nhược điểm tồn tại, ngay sau khi ra mắt, sản phẩm máy nghiền đất đã trở thành trợ thủ đắc lực giúp công việc đập đất, sàng đất đóng bầu cây giống trở nên nhanh chóng và hiệu quả; giảm sức lao động, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Thiết kế nhỏ gọn, nặng chưa đầy 100kg, có thể di chuyển thuận lợi, chạy bằng điện hoặc bằng dầu đều được nhưng trong vòng 1 giờ máy nghiền đất của anh Dương Thanh Tới đã đập và sàng được khoảng 2,5-3m3 đất. Trong khi nếu đập và sàng thủ công thì phải mất khoảng 8 giờ mới hoàn thành được khoảng 2m3. Việc sử dụng máy sẽ cho năng suất gấp gần 10 lần so với phương pháp thủ công trước đây. Đến nay, trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất của anh Tới cung cấp ra thị trường 70-80 sản phẩm, tạo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh máy móc nông nghiệp của gia đình anh mỗi năm mang về lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Ngày nay, khi sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ giới hóa trên đồng ruộng thì những công cụ sản xuất của những “kỹ sư chân đất” như anh Dương Thanh Tới hay anh Phan Bá Hùng ngày càng trở nên cần thiết đối với bà con nông dân. Từ đó, góp phần hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Lan tỏa thi đua sáng tạo
Chưa khi nào, những sáng tạo kỹ thuật của nhà nông lại được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ như hiện nay. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” được Hội Nông dân tỉnh tổ chức thu hút nhiều người tham gia. Sau hơn 3 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 32 giải pháp kỹ thuật tiêu biểu được lựa chọn từ 11 Hội Nông dân cấp huyện. Các giải pháp tham dự cuộc thi khá phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó 22 giải pháp thuộc nhóm lĩnh vực cơ khí và chế biến, 7 giải pháp thuộc nhóm lĩnh vực trồng trọt, sinh học và môi trường, 3 giải pháp thuộc nhóm lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản.
Anh Đặng Đức Ninh ở khu Xuân Áng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng sáng chế chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa tự động cuốn nhả dây phun với nhiều công năng, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả khi phun và góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Trong số các giải pháp tham gia Cuộc thi, có nhiều giải pháp mang tính thực tiễn cao như: Giải pháp “Kỹ thuật chế biến, đóng gói chè bí xanh sấy lạnh” của tác giả Phạm Ngọc Doanh ở xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa đã nghiên cứu kỹ thuật chế biến, đóng gói trà bí xanh sấy lạnh nhằm thay đổi cách trồng, cách chế biến thủ công truyền thống của người dân địa phương, tạo ra sản phẩm “Trà bí xanh sấy lạnh” an toàn, dinh dưỡng cao, tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm. Giải pháp “Nghiên cứu, chế tạo rô-bốt cắt mì gạo” của tác giả Cao Đăng Duy ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đã nghiên cứu, chế tạo rô-bốt cắt mỳ gạo thay thế công đoạn thủ công, giúp các sản phẩm sản xuất ra đồng nhất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Anh Đỗ Nguyên Đức ở xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn với giải pháp “Ủ men vi sinh khử mùi bằng nguyên liệu sinh học sẵn có cho hộ gia đình” đã nghiên cứu hoàn thiện công thức ủ men từ những nguyên liệu sẵn có tại gia đình để tạo ra sản phẩm khử mùi hôi rác thải sinh hoạt gia đình, trang trại chăn nuôi, lên men thức ăn cho gia súc, gia cầm; ủ men rác thải sinh học làm phân bón hữu cơ,... Các sáng kiến, giải pháp tham gia Cuộc thi đều đã được triển khai ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, có những sáng kiến đặc biệt, giải quyết được nhu cầu máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản, mang lại giá trị gia tăng cao với chi phí hợp lý hơn so với nhập khẩu dây chuyền, máy móc từ nước ngoài.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Lần đầu tổ chức Cuộc thi nhằm nâng cao kiến thức và khả năng ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, công nghệ cho cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy các phong trào thi đua trong hội viên, nông dân nhất là thi đua xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thông qua các phong trào đã khơi dậy những tiềm năng, tư duy sáng tạo của người nông dân trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp, mô hình sáng tạo vào trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh. Hội cũng mong muốn các tác giả sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ và tích cực chuyển giao các giải pháp giúp bà con nông dân cải thiện hoạt động sản xuất, chế biến và nâng cao thu nhập”.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các huyện, thành, thị Hội tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thời đại 4.0, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm; tham gia đưa nông dân lên sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Potsmat.vn; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.