Phát triển theo hướng sinh thái, hiện đại

Bình luận · 2 Lượt xem

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức,

Hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho người dân trong quá trình sản xuất

Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có duy nhất 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức).

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình khuyến nông... Việc này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân mà còn giúp họ tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.

anh-3-8152.jpg
Mô hình sản xuất dưa lưới an toàn tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội quy mô chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

 

Đánh giá hiệu quả của các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Sở NN - PTNT TP. Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, với 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, trong đó có 262 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Bà Hương đánh giá công tác chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng bước đầu tạo sự thay đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Để hỗ trợ các hợp tác xã trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, tập huấn ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Các buổi tọa đàm, tập huấn đều có chuyên gia hướng dẫn để người dân, hợp tác xã hiểu hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; giải đáp vướng mắc trong quá trình sản xuất, áp dụng vào thực tiễn.

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp

Để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã về nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng mô hình sản xuất công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại, hệ thống tưới tự động, máy cảm biến nhiệt độ… trong sản xuất để điều chỉnh nhiệt độ, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

 

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở đang xây dựng, hoàn thiện “Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu này, kế hoạch đặt ra một số nhiệm vụ chính như: phấn đấu đến năm 2030, tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp; điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo tiền đề thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hình thành, duy trì, phát triển khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định.

Giám đốc Sở NN - PTNT cũng cho biết ngành nông nghiệp Thủ đô đặt tiêu chuẩn sản phẩm của các đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, khu vực hoặc quốc tế khi xuất khẩu.

 

( Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm khuyến nông Hà Nội)

AN LƯƠNG

Bình luận