Từ đôi bàn tay trắng, chàng trai người Thái Lê Văn Mến (SN 1981) ở bản Khoa 2, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã dày công tạo dựng cơ sở chăn nuôi trâu bò lớn nhất đất Tây Bắc. Mỗi năm cơ sở của anh xuất bán cả nghìn con trâu bò.
Trại trâu bò của gia đình anh Mến nằm cạnh tỉnh lộ 43. Từ nhiều năm nay bà con người Thái nơi đây đã quen gọi anh với biệt danh là Mến trâu bò. Anh Mến cũng là tỷ phú đầu tiên của bản Thái. Họ coi đó là vinh dự và không ít tự hào. Bởi lẽ bao đời nay, bà con người Thái nơi đây chỉ mong ngày no đủ ba bữa là niềm hạnh phúc rồi. Vậy mà anh Mến đã biết vượt qua gian khó, biến mình thành tỷ phú nơi bản cao. Người đàn ông này còn đang điều hành “công ty” buôn bán trâu bò lớn ở đất Sơn La.
Trại trâu bò lớn nhất đất Sơn La
Sau mấy cuộc điện thoại hẹn lên hẹn xuống chúng tôi mới gặp được anh Mến. Bên ngôi biệt thự rộng rãi đẹp nhất đất Tường Thượng là cơ ngơi của gia đình anh Mến. Trái với hình dung của tôi về người nông dân chăn nuôi chân lấm tay bùn, anh Mến lại ăn diện như một công chức lịch thiệp. Sơ vin áo trắng cổ cồn, chân đi giày đen bóng nhoáng lái chiếc xe ô tô bạc tỷ vào sân nhà. Nom anh phong độ không kém gì chủ doanh nghiệp thời ăn nên làm ra. Anh vừa đi ký kết mấy hợp đồng bán trâu, bò giống cho các tỉnh miền Bắc. Như đoán được sự ngạc nhiên của mấy vị khách, anh Mến không giấu giếm: “Con xe này đi vùng cao không hợp lắm. Tôi vừa sắm thêm con xe ford bán tải để dễ bề lên các vùng cao tìm giống trâu, bò”.
Hóa ra ông chủ buôn trâu bò này không dừng lại ở lời đồn của bà con người Thái. Từ nuôi trâu bò anh có nhà lầu, xe hơi. Chưa kịp tan tuần trà vẫn trong cái bộ quần áo đó mà anh Mến dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trâu bò của anh. Anh Mến bước đi nhanh thoăn thoắt. Chỉ thoáng cái đã đến dãy chuồng trâu chạy dài bên đường. Phía trong từng con trâu mộng, con nào con nấy khỏe khoắn béo mầm. Cạnh chuồng là đống cỏ to bằng đống rơm được ủ cẩn thận. Nó là thức ăn cho trâu bò, gồm có cây ngô và mày ngô. Nguồn thực phẩm này đều do bà con ở bản cao mang xuống bán cho anh Mến. “Không ai nuôi được cả trăm con trâu bằng cánh thả đồng được. Tôi phải làm chuồng mà nuôi nhốt. Cả đàn trâu lớn như vậy, chỉ cần có một người chăm sóc”, anh Mến cho biết.
Bao năm rong ruổi đất Tây Bắc, tôi từng gặp nhiều vua nuôi trâu, nuôi bò ở miền sơn cước, nhưng chưa gặp ai có đàn trâu lớn như của anh Mến. Tôi đang nhẩm tính, cái thời giá trâu lên cao, đàn trâu này trị giá cả mấy chục tỷ đồng chứ không ít. Chưa kịp định thần, anh Mến dẫn tôi sang trại bò. Lần này tôi bị “ngợp” bởi quy mô bề thế của khu nuôi bò. Phía trong chuồng là toàn bò cái. Con nào con nấy béo mầm, khỏe khoắn. Chúng lớn đều tăm tắp. Nếu đếm từng con, chắc cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới xong. Bước ra khu chăn nuôi, anh Mến bỗng hoạt bát hơn. Anh nhìn đàn bò sinh sản mà lòng tràn đầy năng lượng: “Chúng là những cái máy in tiền của trang trại đấy. Bò nuôi nhốt chuồng còn sinh sản tốt hơn so với bò thả rông. Mỗi năm chúng đẻ một lứa, và chỉ sau nửa năm là tôi có thể xuất chuồng cả trăm con bò giống”.
Trong trang trại có 5 lao động đều là người địa phương. Người dọn chuồng, người băm cỏ, người quét dọn. Họ làm việc rất chăm chỉ. Khi hỏi về mức lương cho họ mới thấy sự chăm lo cho người lao động của ông chủ này ưu ái đến mức nào. Anh Mến trả cho họ 12 triệu đồng/tháng lại bao ăn, bao ở. Chẳng thế mà họ miệt mài lao động, làm cho ông chủ mà như làm cho mình vậy. “Mình chăm lo cho họ tốt, họ sẽ dốc lòng, dốc sức cho công việc”, anh Mến chia sẻ. Mang tiếng là ông chủ, nhưng công tác thú y là do tay anh Mến chăm sóc. Suốt 20 năm nuôi trâu, bò, anh đã thuộc nằm lòng các bệnh mà trâu, bò mắc phải. Con trâu, con bò nào qua tay anh cũng trở lên khỏe mạnh.
Nguồn giống trâu, bò, anh Mến đặt mua ở khắp miền Bắc. Hầu như ở địa phương nào anh Mến cũng đặt một vài đại lý để họ mua gom cho anh. Anh sẽ là người cuối cùng kiểm duyệt và đưa chúng về trại của gia đình để nuôi vỗ béo. “Trâu, bò từ nhiều nguồn khác nhau. Mình không thẩm định được con trâu nào khỏe, con bò nào yếu hoặc mắc bệnh mà đưa về là thua. Do vậy, tôi chỉ cần nhìn thoáng qua là biết con nào đủ tiêu chuẩn để đưa về trang trại”, anh Mến chia sẻ.
Nghề buôn cũng lắm gian nan
Mấy năm gần đây, giá trâu, bò liên tục sút giảm khiến việc làm ăn của anh Mến gặp khó khăn. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh cũng trải qua nhiều phen lao đao. Đến đầu những năm 2000 cơ sở nuôi trâu bò của anh đang ăn nên làm ra bỗng gặp phải dịch covid. Cả gần nghìn con trâu bò trong chuồng đến thời điểm xuất đi Trung Quốc bỗng dưng bị dừng lại. “Khi đó tôi cũng chưa biết cái con covid suýt đẩy mình đến cảnh phá sản lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến vậy. Từ việc bị cấm đường, rồi trâu bò không sao xuất đi được. Trong khi đó, thức ăn và chăm sóc đàn trâu mộng đó vẫn phải đổ ra. Suốt mấy tháng liền, việc buôn bán của tôi bị đình trệ. Buồn hơn là trâu, bò giảm giá không phanh. Khi tôi đi mua 60 triệu một con trâu Mộng, nuôi cả nửa năm chỉ bán được một nửa. Vụ đó, tôi thất thu gần 2 tỷ đồng”.
Giờ đây nhìn sự thành công của anh Mến, ai cũng cảm phục. Nhưng việc làm ăn không phải lúc nào cũng hanh thông. Sau dịch covid khiến gia đình anh Mến lao đao. Bao vốn liếng và công sức bỏ ra suốt một năm, cái thu lại là hơn 2 tỷ tiền lỗ ròng. Buồn hơn cả là cái nghề nuôi con ăn cỏ uống nước lã mà vẫn lỗ khiến anh thêm phần lo lắng. “Trung Quốc ngừng nhập khiến việc buôn bán đình trệ. Tôi càng đổ vào bao nhiêu càng lỗ bấy nhiêu” anh Mến buồn rầu nhớ lại những ngày tháng khiến cả gia đình anh lao đao.
Những tưởng sau vụ âm hơn 2 tỷ đồng, anh Mến sẽ chùn tay, nhưng chính trong lúc gian khó anh lại nghĩ ra giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Thay vì buôn trâu, bò sang Trung Quốc, anh biến trang trại của gia đình thành nơi sản xuất trâu, bò giống. Để có con giống khỏe mạnh, anh tập trung vào công tác thu ý rồi chăm bẵm con giống cho tốt. Vốn là người có nghề nuôi trâu bò mấy chục năm nên anh đã chăm sóc đàn trâu, bò giống của gia đình phát triển tốt. Từ vài chục cặp con giống ban đầu, trang trại của anh dần mở rộng lên vài trăm con. Mỗi năm xuất ra thị trường cả nghìn con trâu, bò giống.
Theo chia sẻ của anh Mến, làm trâu, bò giống không lãi bằng việc gột trâu, bò, nhưng nó lại cho thu nhập bền vững. “Con giống khỏe mạnh, không bệnh tật, đã được tiêm phòng đầy đủ, xuất ra thị trường là phương châm hoạt động của tôi. Chẳng thế mà chỉ sau 3 năm chuyển phương thức làm ăn, trang trại dần có nguồn thu lớn. Đây là nguôn thu bền vững. Năm tới tôi đang mở rộng chuồng trại rộng khoảng 5000m2. Nhu cầu con giống đảm bảo chất lượng cho các địa phương còn rất lớn. Khả năng mở rộng sản xuất sẽ thu được lợi nhuận tốt”, anh Mến chia sẻ.
Cánh làm ăn của anh Mến chỉ xoay quanh con trâu bò – cơ nghiệp của người nông dân một thời cũng chứa đầy sự gian nan và vất vả. Nhưng ý chí vươn lên thoát nghèo làm giàu của chàng trài người Thái này đã trở thành khát vọng. Việc làm ăn từng lên, xuống thất thường, nhưng anh luôn giữ sự bình tĩnh và sáng suốt tìm ra hướng làm giàu trên quê hương. Hành trình làm giàu của anh Mến cũng chứa đầy sự gian nan. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và chịu khó như anh để mở ra cánh cửa làm giàu nơi miền sơn cước.
Khởi nghiệp từ 2 con trâu hồi môn
Anh Mến sinh ra và lớn lên tại bản Thái. Thung lũng thừa tiềm năng về nông nghiệp, nhưng gia đình nào khi đó cũng ở cảnh nghèo đói. Nhà anh Mến đông anh em, anh học hết lớp 3 rồi ở nhà phụ giúp cho đình. Cái đói, cái nghèo, sự nhọc nhằn khi lên nương trồng từng cây ngô hay vun từng gốc lúa anh đã từng trải qua. Sống ở nơi đèo mây hút gió, nên khi đó, các cụ người Thái nơi đây thường dựng vợ, gả chồng cho con từ rất sớm. Anh Mến vừa bước sang tuổi thiếu niên, bố mẹ đã lấy vợ cho anh. Khi đó anh mới tròn 15 tuổi.
Chưa kịp lớn đã làm chồng, nên khi bố mẹ cho ra ở riêng, anh gặp nhiều bỡ ngỡ. Có vợ rồi sinh con khiến cuộc sống gia đình vốn khó lại thêm eo hẹp. Vợ chồng anh kế nghiệp cái nghề bới đất, lật cỏ của bố mẹ. Suốt mấy năm lấy nhau, vợ chồng anh làm từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất núi mới ngơi nghỉ chân tay mà cuộc sống vẫn nghèo hoàn nghèo. Đến đầu những năm 2000, anh Mến nhận thấy nếu cứ làm ăn kiểu này không thể nuôi nổi đàn con thơ, chứ chưa nói gì đến chuyện cho chúng ăn học đến nơi, đến chốn. Nhiều đêm anh không ngủ được, nghĩ nát óc mà chưa biết tìm cách gì để thay đổi số phận cho mình.
Sau 10 năm lấy nhau, vợ chồng anh đã có tới 4 mặt con. Sức ép về kinh tế ngày một lớn, anh Mến cũng dần tiếp cận được với tình hình ngoài xã hội. Sống ở nơi đất đai rộng mênh mông, anh đã nghĩ đến chuyện chăn nuôi trâu, bò. Từ vài con trâu, con bò của gia đình, dần dần phát triển thành đàn. Anh còn thực hiện việc nuôi rẽ - tức là anh đưa trâu, bò giống cho bà con người Mông chăn nuôi. Lợi nhuận thu được sẽ chia đôi. Suốt mấy năm thực hiện cách hợp tác này, nhưng tổng kết lại, anh vẫn không có lãi. Bởi lẽ khi giao cho bà con đầu cơ nghiệp, họ chăm sóc không tốt. Trâu, bò không phát triển được.
Bao vốn liếng bỏ ra, tiền nợ đè lên đầu khiến anh phải thay đổi cách làm. Anh rút hết trâu bò về và dựng chuồng nuôi chúng. Từ đây cánh cửa làm ăn lớn bắt đầu mở ra cơ hội cho vợ chồng anh. Từ hơn chục con trâu, bò ban đầu. Dần dần, anh đã nghĩ ra cách là đi mua trâu, bò gầy yếu của những gia đình chăm sóc kém. Anh đưa về trang trại nuôi vỗ béo rồi bán cho thương lái. Từ việc làm ăn nhỏ lẻ ban đầu, cứ sau mỗi năm, vốn liêng nâng lên, anh Mến từng bước mở rộng sản xuất. Cái chuồng trâu bé tẹo ngày khởi nghiệp nó cứ mở rộng dần ra. Nhà anh hết đất làm chuồng, anh mua thêm của hàng xóm. Sau mỗi năm đàn trâu, đàn bò xuất đi của anh ngày một nhiều. Không những vậy, anh còn kết nối được với những mối buôn lớn. Họ đưa trâu, bò bán cho Trung Quốc. Và từ đây cơ sở của anh thành điểm nuôi, trâu bò lớn nhất tỉnh Sơn La. Mỗi năm anh xuất bán cả nghìn con trâu, bò các loại.
Từ một cơ sở nhỏ bé, bằng quyết tâm của mình anh Mến đã trở thành ông chủ buôn trâu, bò lớn nhất đất Tây Bắc. Gần 20 chục năm lăn lộn với nghề, anh cũng dần tích lũy được những kinh nghiệm quý giá. Anh biến mình thành một chuyên gia thú y với tay nghề chuyên nghiệp. Chỉ cần nhìn qua con trâu, con bò là biết sức khỏe của chúng.