Nông thôn mới và câu chuyện đưa chợ về nhà

Bình luận · 95 Lượt xem

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp cận tư duy nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, tích hợp đa giá trị.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy kiểm tra sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được sản xuất bởi nông dân địa phương. Ảnh: Thanh Thủy.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy kiểm tra sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được sản xuất bởi nông dân địa phương. Ảnh: Thanh Thủy.

Sáng 10/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã về thăm và làm việc tại huyện Bình Lục (Hà Nam). Chủ tịch UBND huyện Bình Lục Trần Xuân Dũng cho biết, trên địa bàn huyện đã có 2/16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 8/16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, Bình Lục phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Mỹ được công nhận đô thị văn minh (3 xã còn lại do phải sáp nhập năm 2024 nên sẽ tiếp tục xây dựng đề án xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm tiếp theo). Hiện, huyện có 7 tiêu chí NTM đang được duy trì, nâng cao chất lượng theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025 và đã đạt 29/38 chỉ tiêu, 5/9 tiêu chí NTM nâng cao… 

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết thêm về tình trạng hệ thống kênh mương ở địa bàn huyện còn chưa đáp ứng được nhu cầu, đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, các địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề, ngập úng mất giống lúa Bắc thơm 7.

Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ để thực hiện hiệu quả Đề án huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể, đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi kết hợp với làm đường bờ kênh S17. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ chuyển giao xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Huyện Bình Lục cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ bổ sung thêm giống lúa Bắc thơm 7 để gieo trồng vào vụ kế tiếp (vụ xuân năm 2025) cho các hộ có diện tích bị thiệt hại tại vụ mùa 2024 do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, kéo dài vào trung tuần tháng 7 vừa qua.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết luôn dành một sự yêu mến đặc biệt cho Hà Nam, vì vậy ông luôn hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí đầu ra nhằm nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người nông dân là phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Giải pháp cốt lõi cho kinh tế nông thôn chính là kinh tế tập thể. Vì vậy, tỉnh Hà Nam phải luôn đồng hành cùng hợp tác xã (HTX), là cầu nối để các HTX có các chiến lược trình bày với người nông dân. Từ đó, xây dựng niềm tin và khuyến khích bà con yên tâm tham gia vào hoạt động sản xuất nông sản tại các HTX trên địa bàn.

Để nâng cao giá trị nông sản, huyện Bình Lục nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung cần định vị lại hình ảnh, mô hình và cách sản xuất nông nghiệp. Chỉ khi đưa được những câu chuyện trồng trọt, hình ảnh người nông dân như những “nghệ nhân” tạo ra sản phẩm giá trị và đầy tâm huyết, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì mới nâng cao được giá trị cho nông sản”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hà Nam tư duy nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, sinh thái, tích hợp đa giá trị. Ảnh: Thanh Thủy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hà Nam tư duy nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, sinh thái, tích hợp đa giá trị. Ảnh: Thanh Thủy.

Về tư duy nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp cận theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, tích hợp đa giá trị. Tỉnh Hà Nam là nơi linh thiêng và có bề dày lịch sử, đặc biệt huyện Bình Lục có từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến. Vì vậy, có thể kết hợp nông nghiệp với văn hóa và du lịch bằng cách dẫn dắt sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản thế mạnh với lịch sử địa phương.

Thông qua điều này, những người ở đô thị sẽ tìm về với làng quê, lắng nghe những câu chuyện lịch sử và sự lắng đọng trong văn hóa địa phương. Tỉnh Hà Nam có thể từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch, tham quan các di tích lịch sử và mua bán đặc sản tại địa phương. Thay vì đưa nông sản ra chợ bán, người nông dân có thể đưa chợ về ngay tại quê hương mình.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Nam lắng nghe các góp ý, chỉ đạo trên để đưa vào Nghị quyết của tỉnh. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút lao động tham gia sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trên cơ sở đó, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM theo phương châm “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xây dựng NTM không chỉ là việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn là việc xây dựng con người mới với tư duy và tầm nhìn mới. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao tượng trưng 30 tấn lúa giống cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt mưa úng xảy ra vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Trần Thanh Long.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao tượng trưng 30 tấn lúa giống cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt mưa úng xảy ra vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: Trần Thanh Long.

Chia sẻ với khó khăn của bà con nông dân, 2 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam là ThaiBinh Seed và Vinaseed đã ủng hộ 30 tấn giống lúa Bắc Thơm 7 cho các hộ gia đình bị tổn thất bởi đợt mưa úng xảy ra vào tháng 7 vừa qua. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cam kết sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh Hà Nam, đặc biệt là huyện Bình Lục trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, ông Báo mong muốn được hợp tác với tỉnh Hà Nam để xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất lúa giống.

Bình luận