Điểm sáng lúa gạo trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm

Bình luận · 240 Lượt xem

Trong 7 tháng, Việt Nam sản xuất hơn 24 triệu tấn lúa, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỷ USD.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sản xuất hơn 24 triệu tấn lúa trong 7 tháng đầu năm

Chiều 5/8, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ để thông tin tới các cơ quan báo chí về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 cùng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng; tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, tình hình thị trường tiền tệ, chứng khoán cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi tích cực, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 7, xuất khẩu tăng 2,1% so với tháng trước; nhập khẩu tăng 2,4%; xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 7 tháng xuất khẩu đạt hơn 195 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 179 tỷ USD; xuất siêu 16,5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm. Trong 7 tháng, sản xuất hơn 24 triệu tấn lúa, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Ước tính cả năm đạt khoảng hơn 43 triệu tấn lúa, tăng 452.000 tấn so với cùng kỳ, xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng, là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế. Chăn nuôi ổn định. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7 đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ, 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD. Riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD.

Công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ, trong đó chế biến chế tạo tăng 3,6%.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ; 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người (tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa), tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; 7 tháng đạt gần 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam sản xuất hơn 24 triệu tấn lúa, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Ảnh: Phạm Văn Thức.

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam sản xuất hơn 24 triệu tấn lúa, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Ảnh: Phạm Văn Thức.

Vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt hơn 267.000 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch, tăng 3,38% về tỉ lệ và tăng hơn 80.000 tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, 7 tháng đạt gần 16,2 tỷ USD, tăng 4,5%; vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,5 tỷ USD, tăng 0,8%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Tình hình phát triển doanh nghiệp tích cực hơn, tháng 7 có hơn 13.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 2,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có gần 132.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 113.000.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia đã giảm nghèo đa chiều thành công. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm; trong 7 tháng số vụ tai nạn giao thông giảm 9,3%; số người chết giảm 9,4%; số người bị thương nhẹ giảm 11,8%. Tổng giá trị thiệt hại tài sản do thiên tai giảm 84,3%; do cháy, nổ giảm 77,9%..

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Trong đó nổi lên là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm so cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp. Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Nhu cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm. Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm.

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, nhất là sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp. An ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: TL.

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: TL.

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu và trọng tâm chỉ đạo điều hành trong thời gian tới của các Bộ, ngành, địa phương là ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Trong đó cần lưu ý đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công. Đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. Rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật

Bình luận