Tìm cách thu hút sinh viên ngành nông nghiệp

Bình luận · 58 Lượt xem

TP.HCM Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp vẫn chưa thể thu hút được học sinh, sinh viên theo học. Điều này sẽ gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là nội dung được quan tâm tại Hội thảo “Vai trò của các trường đại học đối với sự phát triển về giáo dục và khoa học công nghệ của TP.HCM - lĩnh vực Khoa học sự sống và môi trường” được tổ chức tại Đại học Nông lâm TP.HCM sáng 2/8.

Hội thảo là cơ hội để tìm kiếm giải pháp cho các trường đại học phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ giáo viên giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vực khoa học sự sống và môi trường cũng như hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông trên địa bàn TP.HCM.

Nông nghiệp là bệ đỡ của kinh tế quốc gia, điều đó được thấy rõ trong đợt dịch Covid-19. Đây cũng là một trong những động lực cho sự phát triển của các ngành nghề, xã hội. Thế nhưng, mỗi năm, tỉ lệ học sinh đăng ký theo học vào các nhóm trường nông - lâm - ngư nghiệp khá thấp.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong đợt tuyển sinh năm 2022 và 2023, lĩnh vực “Môi trường và bảo vệ môi trường” và “Khoa học sự sống”, trong đó có ngành nông nghiệp đều chỉ đạt tỉ lệ dưới 1% tổng số thí sinh ứng tuyển. Trong khi đó, lĩnh vực khác như kinh doanh và quản lý chiếm khoảng 24%, máy tính và công nghệ thông tin khoảng 11%.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu Trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu Trưởng trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, các lĩnh vực trên lại đang được khẳng định và ứng dụng rất nhiều trong mọi mặt của đời sống như y tế sức khỏe, nông nghiệp, y học và các ngành công nghiệp dược phẩm và khoa học thực phẩm. Do đó, nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, các ngành sinh học, công nghệ sinh học, nông lâm, thủy sản, bảo tồn thiên nhiên… sẽ ngày càng tăng cao.

“Tôi cho rằng, sự bất đối xứng giữa xu hướng phát triển và sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ trong thời gian qua đang chỉ dấu cho rủi ro của một cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực trong tương lai. Nguy cơ tiềm ẩn này có thể sẽ gây ra những trở ngại cho TP.HCM và các địa phương trong việc hoàn thành những nhiệm vụ”, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn chia sẻ.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 trường THPT, cùng các trường thành viên và các hội đồng, các khối ngành khác sẽ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những thách thức, tồn tại đang diễn ra.

Từ thực tế đó, việc hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông cần được đẩy mạnh, đi vào thực tế hơn. Người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh cũng cần được hiểu rõ được giá trị của ngành nghề này đối với sự phát triển của đất nước.

Đoàn giáo viên các trường THPT tham quan tại khu vực nhà lưới Khoa Nông học.

Đoàn giáo viên các trường THPT tham quan tại khu vực nhà lưới Khoa Nông học.

Báo cáo tại hội thảo, TS Trần Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Nông học, trường Đại học Nông lâm TP.HCM chia sẻ số liệu gây chú ý. Cụ thể, năm 2023 trong khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào đại học thì có tới 20% thí sinh không nhập học. Trong số đã nhập học thì chỉ sau một năm tiếp tục có 5-7% phải đăng ký xét tuyển lại, có nghĩa nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường. Điều này để lại nhiều hệ lụy cho bản thân người học và xã hội.

“Từ đó cho thấy công tác hướng nghiệp thời gian qua đang nói lên nhiều bất cập, các em học sinh đang chọn nghề theo cảm tính, theo ý kiến của người khác hoặc chọn nghề theo trào lưu chung. Do đó, vai trò của hướng nghiệp cho học sinh trong hướng đi, chọn nghề phù hợp vô cùng cần thiết. Trong đó, trường đại học và các trường THPT có sự ảnh hưởng nhiều nhất đến nhận thức của học sinh về các yếu tố hướng nghiệp”, TS Trần Văn Thịnh bày tỏ.

Vườn thực phẩm cộng đồng - mô hình sinh thái giúp lan tỏa giá trị, để thay đổi nhận thức về thực phẩm xanh của cộng đồng. Ảnh: Lê Bình.

Vườn thực phẩm cộng đồng - mô hình sinh thái giúp lan tỏa giá trị, để thay đổi nhận thức về thực phẩm xanh của cộng đồng. Ảnh: Lê Bình.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, đại biểu của 150 trường THPT đã có dịp tham quan khu thực nghiệm của trường Đại học Nông lâm TP.HCM, bao gồm Vườn thực phẩm cộng đồng, hệ thống nhà kính và các trại thực nghiệm khoa Nông học - Thủy sản - Chăn nuôi thú y. Đây là những mô hình không chỉ phục vụ cho việc đào tạo sinh viên mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Bình luận