Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam bằng 40% Thái Lan

Bình luận · 45 Lượt xem

Sáng 7/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sáng 7/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Linh Linh.

Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp còn thấp

Ông Vũ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm các cơ sở thuộc Bộ, đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả quan trọng trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp có văn bằng, chứng chỉ còn thấp. Lao động nông nghiệp Việt Nam chủ yếu có trình độ và kỹ năng thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn. Trong số gần 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, 65% học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ trong ngành nông nghiệp chỉ tăng từ 2,4% (năm 2010) lên 4,1% (năm 2020), trong khi tỷ lệ này trên cả nước là 26,1% năm 2021.

Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp vẫn thấp so với ngành công nghiệp và dịch vụ, và so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam bằng 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc và 10% của Malaysia. Điều này dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh và cải thiện thu nhập cho lao động trong ngành, khiến ngành nông nghiệp khó tuyển sinh hơn so với các ngành khác.

Trong bối cảnh nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái trở thành xu hướng chính trên thế giới, Việt Nam cần nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển đổi từ phương pháp sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Từ thực trạng trên cho thấy, cần có xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Theo đó, đề án đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo lĩnh vực và vùng miền để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, tay nghề cao để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đội ngũ đội ngũ lãnh đạo, quản lý, doanh nhân trẻ có năng lực quản trị điều hành, kỹ năng hội nhập, tinh thần khởi nghiệp và khát vọng cống hiến; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030, đặt mục tiêu lao động của ngành nông nghiệp chiếm 20% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 10%.

Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra mục tiêu phát triển nhân lực cho từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… và theo các vùng.

Đưa tư duy tích hợp đa giá trị vào chương trình giảng dạy

Đóng góp ý kiến từ góc độ khối viện, trường cho đề án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, GS. Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, nhấn mạnh sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế vào thực tiễn trong đào tạo nông nghiệp, trong đó có những cuộc trao đổi và khóa đào tạo với sinh viên để sinh viên có được cái nhìn thực tế về ngành nghề của mình trong tương lai.

Bên cạnh đó, GS. Trịnh Minh Thụ cho rằng, các trường cần xây dựng mô hình sản xuất thực tiễn, mô hình sản phẩm thực tiễn do chính nhà trường và sinh viên làm ra để tạo dựng sự tin tưởng của xã hội.

Lãnh đạo Đại học Thủy lợi cũng chia sẻ về đào tạo đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường, thu hút nguồn nhân lực bằng các chương trình định hướng việc với doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập.

Cùng chia sẻ với ý kiến của khối viện trường, TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, chương trình đào tạo cho giai đoạn mới cần hướng tới đầu ra của sinh viên sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp, cần đảm bảo cung cấp kiến thức toàn diện để họ đủ năng lực làm việc và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, việc trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đàm phán cũng rất quan trọng. Kèm theo là chuyên môn để các em có thể ứng dụng cho các công việc trong bối cảnh bùng nổ khoa học công nghệ như hiện nay.

Ôgn Tiệp cho rằng, chương trình đào tạo cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, như Học viện Nông nghiệp Việt Nam có liên kết với hơn 200 doanh nghiệp để cải tiến và góp ý cho chương trình đào tạo, đồng thời tuyển dụng sinh viên. Sự phối hợp này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa học viện và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề, bối cảnh ra đời của một đề án, chiến lược cần gắn với câu hỏi về sự thay đổi. Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp thay đổi khi thế hệ giảng viên, lãnh đạo các viện trường thừa nhận rằng “cần sự thay đổi trong giáo trình đào tạo và phương pháp đào tạo trong ngành nông nghiệp”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi tư duy đào tạo, bắt nguồn từ việc thay đổi và mở rộng tư duy của đội ngũ giảng viên.

Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp vẫn thấp so với ngành công nghiệp và dịch vụ, và so với các nước trong khu vực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, khi thế giới xoay chuyển với sự trỗi dậy mạnh mẽ của khoa học công nghệ với hàng loạt yếu tố mới xuất hiện như Cách mạnh 4.0, trí tuệ nhân tạo, ChatGPT…, tư duy của con người nói chung, phương pháp và giáo trình đào tạo nông nghiệp không thể duy trì mãi như 10 năm, 20 năm về trước.

“Thế giới thay đổi, cần thay đổi cách tiếp cận khác để giáo dục ra những công dân toàn cầu, có tư duy toàn cầu, hiểu được thế giới đang vận hành thế nào. Từ đó, nhóm tinh hoa của ngành nông nghiệp không phải là những người có học hàm, học vị cao mà là những người có thành tựu cao nhất về mặt công nghệ, có thể áp dụng thành thạo khoa học công nghệ vào lĩnh vực của mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Lấy ví dụ từ phương pháp đào tạo của học viện thuộc Tập đoàn C.P. tại Thái Lan, giúp sinh viên nông nghiệp sau khi ra trường có thể làm ở nhiều môi trường và lĩnh vực khác nhau, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng việc càng khu biệt nội dung đào tạo sẽ “bóp nghẹt” đầu ra của sinh viên nông nghiệp.

"Khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, thì tại sao đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không thay đổi theo hướng đó?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi. Đồng thời, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh về bối cảnh tương lai bất định, nguồn nhân lực nông nghiệp cần được đào tạo với chương trình rộng mở hơn để có thể tham gia ở mọi khâu, từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai và về lâu dài.

Bình luận