Nghị định 91 như sản phẩm mới, phải tiếp thị, khai thác hiệu quả

Bình luận · 73 Lượt xem

'Nếu chỉ cho phép những thứ trong vòng tròn, còn ngoài vòng tròn thì không, vậy còn vùng giáp biên sẽ như thế nào?', Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Phải coi Nghị định 91 như một sản phẩm hàng hóa'. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Phải coi Nghị định 91 như một sản phẩm hàng hóa'. Ảnh: Bảo Thắng.

Kích hoạt những giá trị tiềm ẩn

Tại hội nghị phổ biến Nghị định 91/2024/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, những vấn đề liên quan đến lâm nghiệp luôn được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều câu hỏi về chế độ hỗ trợ cho lực lượng giữ rừng, bảo vệ rừng hay các chính sách đầu tư, phát triển du lịch sinh thái đã được gửi đến ông.

“Nghị định 91 ban hành kịp thời giống như một nút thắt đã được cởi, đồng thời tạo ra những tư duy mới, kích hoạt những giá trị mới từ rừng”, Bộ trưởng nói.

Qua các lần cho ý kiến cũng như phản hồi từ Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng nhận xét, ở góc độ quản lý, đa số đều mong muốn mọi thứ phải rõ ràng. Điều ấy phần nào được thể hiện trong Nghị định mới ban hành hôm 18/7, như quy định cụ thể nội dung, trình tự phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng; phân cấp thẩm quyền phê duyệt ở địa phương.

Các trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng… đã tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho chuyển loại rừng đã giảm từ 75 ngày làm việc xuống còn 50 ngày đối với trường hợp do địa phương phê duyệt, từ 45 ngày làm việc xuống 30 ngày đối với trường hợp do Bộ NN-PTNT phê duyệt.

Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng được dồn về chỉ còn 1 cấp phê duyệt là HĐND cấp tỉnh đối với tất cả các loại rừng. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng cũng giảm từ 50 ngày xuống 35 ngày.

“Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ không đóng khung cứng. Nếu chỉ cho phép những thứ trong vòng tròn, còn ngoài vòng tròn thì không, vậy còn vùng giáp biên sẽ như thế nào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: 'Nghị định 91 có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nhiều nội dung khó'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: 'Nghị định 91 có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nhiều nội dung khó'. Ảnh: Bảo Thắng.

Với góc nhìn như vậy, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, mục đích sâu xa của Nghị định 91 là ổn định, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư, lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng, các ban quản lý rừng. Trên cơ sở khai thác thêm những giá trị tiềm ẩn của rừng, Nghị định 91 khi áp dụng trong thực tế sẽ góp phần chăm lo nhiều hơn cho những đối tượng liên quan đến rừng.

Chia sẻ về kỷ niệm đến thăm các chốt kiểm lâm, Bộ trưởng nói “thấy buồn” vì cuộc sống của lực lượng kiểm lâm hiện khó khăn, thiếu thốn. Ông trăn trở, rằng ở trước mỗi khu rừng đều ghi bảng “Rừng là vàng”, nhưng chính những người đang ngày đêm sống trên “vàng” lại tâm tư, trăn trở.

Vừa qua Nghị định 58/2024/NĐ-CP được ban hành đã nâng mức hỗ trợ cho lực lượng giao khoán bảo vệ rừng lên tối đa 500.000 đồng/ha/năm. Nhưng nếu tính cả phần lạm phát, trượt giá sau 6 năm thực thi Luật Lâm nghiệp và pháp luật liên quan thì phần thu nhập tăng thêm vẫn dừng ở mức “động viên tinh thần” là chính.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, việc tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp luôn được 2 cục chuyên ngành là Lâm nghiệp, Kiểm lâm coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ NN-PTNT đã tham mưu và được Chính phủ ban hành 4 Nghị định về lâm nghiệp. Riêng Nghị định 91 đã được Bộ trình cách đây 19 tháng, 4 lần lấy ý kiến của Thường vụ Chính phủ và Bộ có tới 18 báo cáo tiếp thu, giải trình.

“Pháp luật lâm nghiệp, trong đó có Nghị định 91, có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nhiều nội dung khó. Dù vậy, toàn khối lâm nghiệp vẫn dành nhiều trí tuệ, công sức để các văn bản quy phạm pháp luật bám sát cuộc sống”, Thứ trưởng bày tỏ.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến hàng trăm điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến hàng trăm điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Bảo Thắng.

Phải coi Nghị định như một sản phẩm hàng hóa

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các địa phương đều thống nhất, rằng Nghị định 91 giúp họ đỡ lúng túng khi áp ban hành các chính sách lâm nghiệp. "Trước khi Nghị định ban hành, có khi chỉ tác động 1, 2 ha, hoặc có một trụ điện trong khu rừng phòng hộ nhưng chúng tôi vẫn lúng túng vì không đủ cơ sở pháp lý", Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ Đỗ Ngọc Đoàn bộc bạch.

Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu Đặng Văn Châu nhận xét, Nghị định 91 quy định tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thì không phải thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thuê môi trường rừng sẽ giúp thu hút hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp.

Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, Nghị định 91 không chỉ có nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, bất cập của Nghị định 156, mà còn là để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng quan tâm hơn, thấy rừng đẹp hơn, để rừng bớt lạnh lẽo. Đồng thời, ngày càng có nhiều người hơn tìm đến rừng, phát triển đa dạng các hoạt động như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng dược liệu dưới tán rừng để sinh khí của rừng tăng thêm.

“Chúng ta phải coi Nghị định 91 như một sản phẩm hàng hóa. Tạo ra sản phẩm rồi thì sau này sẽ như thế nào? Nghị định mới liệu có tạo ra thêm những giá trị mới hay không, giúp cho các khu rừng trở nên đẹp hơn hay không?”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT suy tư.

Từ đầu năm 2024, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, ban hành 4 Nghị định trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ đầu năm 2024, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, ban hành 4 Nghị định trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm tăng cường “tiếp thị” văn bản quy phạm pháp luật này, thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân biết đến Nghị định 91 nhiều hơn.

Dù những nội dung, quy định trong Nghị định có thể chưa tối ưu hết, chưa phủ được hết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, nhưng ít nhất những vấn đề nóng về dịch vụ môi trường rừng, trình tự, thủ tục chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, giao rừng, cho thuê rừng… đã được chi tiết hóa, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho địa phương sử dụng, quản lý tài nguyên rừng.

Trước gần 100 đại biểu dự trực tiếp và hàng trăm đại biểu dự trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước, Bộ trưởng kêu gọi các bên nên bỏ tư duy quản lý, tư duy xin cho. Nghị định 91 nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ NN-PTNT tham mưu, ban hành luôn dựa trên mục tiêu đồng hành cùng địa phương, cùng nhau tạo lập những giá trị bền vững.

“Mỗi khi chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên làm khu công nghiệp, resort, chúng ta phải cùng suy ngẫm rằng, lượng GDP tăng thêm cho nền kinh tế và môi trường bị ảnh hưởng, bên nào nặng, bên nào nhẹ. Một tòa nhà khang trang mọc lên còn những cộng đồng sống xung quanh rồi sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi cần thường trực đặt ra bởi khai thác giá trị từ rừng không phải chỉ là phép cộng, phép trừ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo lưu ý, phát triển dịch vụ lưu giữ, hấp thụ carbon (tín chỉ carbon) nằm trong nhóm vấn đề về dịch vụ môi trường rừng. Sau khi tham mưu ban hành Nghị định 91, Bộ NN-PTNT và trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất nội dung này, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, trước khi hướng dẫn địa phương.

Bình luận