Phát triển hợp tác xã nông nghiệp, kinh nghiệm từ Ireland

Bình luận · 95 Lượt xem

ĐBSCL Chuyên gia từ Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI) chia sẻ một số kinh nghiệm thành công, thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp.

Thống kê của Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có khoảng 22.000 hợp tác xã nông nghiệp trên tổng số 34.000 hợp tác xã, với khoảng 3,8 triệu thành viên, hộ gia đình tham gia.

Tuy nhiên, đa số hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ cho thành viên, thiếu sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Đa số hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho thành viên. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết…

Trước bối cảnh đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác cho rằng, các hợp tác xã nông nghiệp phải có những bước đi mạnh mẽ, tập trung vào hai yếu tố cốt lõi là đổi mới và nâng cao chất lượng.

Ông Hùng cho rằng, đổi mới trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, mà còn thay đổi tư duy quản lý, phương thức sản xuất và kinh doanh.

Đặc biệt, cần chú trọng đến xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia.

Vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng là yếu tố then chốt và cấp thiết. Để thực hiện điều này, hợp tác xã (HTX) cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; cải thiện quy trình sản xuất; kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Từ đó, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu.

Đổi mới, nâng cao chất lượng các hợp tác xã phải có những bước đi mạnh mẽ hơn. Ảnh: Kim Anh.

Mang nhiều nét tương đồng với nông nghiệp Việt Nam, từ tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland (DAFM) và Bộ NN-PTNT Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ. Hướng đến mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

Cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kiến thức, đào tạo và phát triển kỹ năng về sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, đổi mới chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã tài trợ Chương trình hợp tác Ireland – Việt Nam trong nông nghiệp và thực phẩm (IVAP), giai đoạn 2023 – 2028. Trong đó, có các hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng cho các HTX nông nghiệp.

Là quốc đảo với dân số nhỏ, khoảng 5,15 triệu người (năm 2022), tuy nhiên, phần lớn diện tích của Ireland là đất nông nghiệp, với khoảng 4,51 triệu ha. Đáng nói, 92% diện tích này được sử dụng để trồng cỏ phục vụ phát triển ngành chăn nuôi, nổi danh với những trang trại chăn nuôi bò sữa, cừu, heo và gia cầm.

Nét độc đáo trong sản xuất nông nghiệp ở đất nước Ireland là thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 10%, 90% còn lại được xuất khẩu ra toàn thế giới. Đồng nghĩa chỉ số an ninh lương thực của Ireland rất cao, đứng thứ 2 trên thế giới, vừa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Đóng góp cho thành công phải khẳng định vai trò của các HTX nông nghiệp ở Ireland.

Ông Michael Murphy, chuyên gia SFSI chia sẻ một số kinh nghiệm thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp ở Ireland. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 1/8, tại Hội thảo về “Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thông qua đổi mới và nâng cao chất lượng” tổ chức ở TP Cần Thơ, ông Michael Murphy –  chuyên gia từ Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland (SFSI) cho biết, HTX ở Ireland hình thành và phát triển từ năm 1889.

Quốc gia này đã thành lập Liên minh tín dụng – Một tổ chức tài chính hợp tác phi lợi nhuận do thành viên HTX sở hữu. Tổ chức này sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính tương đương của các ngân hàng thương mại cho các thành viên HTX.

Đến nay, tại Ireland đã hình thành những HTX quy mô lớn. Hướng tới, mỗi HTX sẽ xây dựng một thương hiệu riêng cho sản phẩm, dựa trên cơ sở đổi mới, sáng tạo. Tìm kiếm những thị trường ngoài Ireland, thành lập những mô hình hợp tác giữa các HTX và doanh nghiệp để huy động nguồn vốn tốt hơn.

Gần đây, ICOS là Hiệp hội HTX Ireland, đại diện cho hơn 130 HTX và tổ chức cũng được thành lập. Các thành viên trong ICOS có quyền sở hữu, kiểm soát và bỏ phiếu cho các quyết định của hiệp hội.

Ông Michael Murphy đánh giá, đây được xem là cơ chế hợp tác tuyệt vời cho các HTX thành viên. ICOS góp phần tham vấn, chia sẻ các thông tin chính sách, hỗ trợ từ Trung ương, đồng thời giải quyết các tranh chấp giữa các HTX.

Ngành hàng sữa là một trong những tiềm năng hợp tác, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ireland. Ảnh: Kim Anh.

Khi các HTX đã lớn mạnh hơn, sẽ kết hợp với các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, cổ phần để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Từ đó, tạo cơ hội cho các HTX hiện đại hóa và phát triển. Mô hình này có thể thực hiện được ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, chuyên gia của SFSI cho rằng, việc phát triển HTX trong nông nghiệp cần phải lựa chọn được những người lãnh đạo là nông dân điển hình, tiêu biểu.

“Chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam có những HTX nông nghiệp lớn với các mặt hàng sữa, thực phẩm hoặc xoài (tập trung ở khu vực ĐBSCL). Những HTX này có thể phát triển sản phẩm nếu biết cách hợp nhất lại với nhau”, ông Michael Murphy phân tích.

Theo kinh nghiệm của Ireland, điều kiện để HTX nông nghiệp đạt thành công là hướng đến lợi nhuận tích cực, dài hạn; trung thực khi mua nguyên liệu từ trang trại; tích hợp xuyên suốt chuỗi cung ứng và minh bạch về thương mại.

Vào tháng 6/2023, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đến thăm HTX bò sữa Tirlan quy mô lớn nhất Ireland, với doanh số xuất khẩu lên đến 2,8 tỷ USD ngành hàng sữa và thịt ở quốc gia này.

Tại Việt Nam, các sản phẩm sữa của HTX Dalatmilk (tỉnh Lâm Đồng) được các chuyên gia SFSI đánh giá nhiều triển vọng, cần tìm hiểu, học hỏi, mở ra cơ hội hợp tác, thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ireland.

Bình luận