Thúc đẩy phát triển chăn nuôi hữu cơ để hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Bình luận · 74 Lượt xem

BTNO - Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng. Việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, hướng tới m

Chăn nuôi hữu cơ là một phần trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, đồng thời bảo đảm cho động vật có môi trường sống thoải mái nhất và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, chăn nuôi hữu cơ cũng góp phần giải quyết các thách thức mà cả thế giới phải đối mặt như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước, góp phần vào công tác đa đạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen quý.

Trong thực tế, việc phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp ở nước ta đã mang lại những thành tựu to lớn về nông nghiệp. Tuy nhiên, những thành tựu đó của ngành chăn nuôi cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ như: chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, nguồn thực phẩm chăn nuôi không bảo đảm chất lượng về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng trở thành vấn đề cấp bách, nhất là thời điểm Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Tại Việt Nam, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1%-2% so với tổng sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm chăn nuôi tiềm năng, đã được chứng nhận hữu cơ và được ưu tiên như sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc, gia cầm.

Trại nuôi gà của anh Nguyễn Năng Cường ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu có diện tích 2,4 ha, quy mô nuôi khoảng 9.000 con. Hiện anh nuôi giống gà ri Lượng Huệ (Hải Phòng); khu vực nuôi được bố trí ở nơi cao ráo, dễ thoát nước; chuồng trại thiết kế bảo đảm lưu thông không khí và có tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên, thuận lợi cho ăn, uống, vận động của gà. Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên tiêu độc khử trùng, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh để duy trì sức khoẻ tốt cho đàn gà.

 

 

Anh Cường chăm sóc đàn gà.

“Khi phối trộn thức ăn, tôi tăng tỷ lệ bắp nên chất lượng thịt tốt hơn. Ngoài ra, tôi còn tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp, thức ăn có sẵn tại địa phương như bắp, cám... ủ men vi sinh, qua đó, giúp tăng cường hệ tiêu hoá, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí chăn nuôi” - anh Cường nói.

Tuy nhiên, theo anh Cường, chăn nuôi hữu cơ còn là hình thức mới, có nhiều tiêu chí cần phải tuân thủ, chi phí sản xuất cao nên giá thành sẽ cao hơn so với chăn nuôi truyền thống, do đó, nông dân còn e ngại về vấn đề đầu ra. Anh mong muốn ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chăn nuôi hữu cơ; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi hữu cơ, từ đó tạo thuận lợi cho hình thức chăn nuôi này phát triển bền vững.

Theo TS. Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chăn nuôi hữu cơ là một trong những chủ trương, chính sách của Bộ NN&PTNT, đặc biệt trong những năm gần đây đã có những quy chuẩn về chăn nuôi hữu cơ. Tây Ninh được Bộ NN&PTNT xác định là một trong những trọng điểm chăn nuôi của cả nước. Sắp tới, tỉnh sẽ có nhiều cơ sở chăn nuôi an toàn cấp huyện và khả năng là cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển hoặc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.

“Tại Tây Ninh có rất nhiều doanh nghiệp đang đầu tư theo hướng chăn nuôi hữu cơ, như trang trại bò sữa ở Bến Cầu của Công ty Vinamilk, hoặc các trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal xuất khẩu sản phẩm sang nước Hồi giáo, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Hùng Nhơn kết hợp với De Heus... để triển khai các dự án này. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ ở Tây Ninh còn khá nhiều, đây cũng là một trong những đối tượng cung cấp thực phẩm rất quan trọng cho tỉnh. Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều có những dự án, chương trình đào tạo, tập huấn về chăn nuôi hữu cơ, qua đó giúp cho các hộ chăn nuôi ở Tây Ninh có thể triển khai một cách tốt nhất trong thời gian tới”- TS. Nguyễn Văn Bắc cho biết.

 

 

Khu vực nuôi gà con tại trang trại của anh Cường.

Một số tiêu chuẩn chính trong chăn nuôi hữu cơ mà các cơ sở, trang trại cần phải chú ý gồm: khu vực định chăn nuôi hữu cơ phải có ranh giới, có thời gian chuyển đổi phù hợp với từng loại vật nuôi; về con giống, khuyến khích con giống bản địa, được lấy từ các cơ sở giống hữu cơ; hạn chế sử dụng thức ăn có nguồn gốc động vật như bột cá, bột thịt; khuyến khích sử dụng các thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như đậu nành, không sử dụng các chất kích thích trong thức ăn, không sử dụng thức ăn có nguồn gốc biến đổi gen.

Một yếu tố rất quan trọng nữa trong chăn nuôi hữu cơ là các trang trại phải đáp ứng được các phúc lợi động vật, khuyến khích chăn nuôi bảo đảm tập tính, bản năng của vật nuôi, như đối với gà phải có sàn đậu, có chỗ bới; heo mới phối giống nên nuôi theo hình thức nhóm heo sẽ tốt hơn nuôi từng con trong cũi... Người chăn nuôi nên tham khảo các quy chuẩn chăn nuôi hữu cơ của Việt Nam, hoặc thông qua Trung tâm Khuyến nông, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nắm được các tiêu chuẩn, yêu cầu về chăn nuôi hữu cơ và từng bước áp dụng tại cơ sở của mình.

TS. Nguyễn Văn Bắc chia sẻ: “Có thể nói, chăn nuôi hữu cơ hiện nay là một vấn đề khá mới, cho nên thách thức đầu tiên đó là về nhận thức –  nhận thức đối với người quản lý và với người chăn nuôi. Do vậy, trước hết cần phải tăng cường công tác tuyên truyền; các Trung tâm Khuyến nông cần tăng cường triển khai các mô hình về chăn nuôi hữu cơ để nông dân đến tham quan, học tập; những chủ trương, chính sách cũng cần phải được bổ sung, hoàn thiện để sát với thực tế, từ đó mới có thể nhân rộng mô hình.

Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi hữu cơ nói riêng là một ngành cần có sự ổn định về đất đai, về quy hoạch, do đó, về phía chính quyền địa phương cũng cần có những quy hoạch về chăn nuôi. Ngoài ra, do đây là một sản phẩm mới nên cần tạo ra những chuỗi liên kết từ sản xuất đến người tiêu dùng, để sản phẩm này thực sự có hiệu quả và sự ổn định”.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Tính đến 6 tháng đầu năm, tỉnh có trên 460 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, có 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Trúc Ly

Bình luận