Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.
Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng của thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Bước đầu cũng đã được ghi nhận những kết quả có được từ mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc… với tỷ trọng ngày càng lớn.
Công nghệ và vốn đầu tư là thách thức lớn nhất để triển khai mô hình nông nghiệp xanh |
“Tuy nhiên, hiện vẫn còn những thách thức, điểm nghẽn trong việc hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh, vừa ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam, vừa thúc đẩy chuyển đổi bao trùm, phát triển xanh, phát thải thấp. Vì vậy, tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc, với nỗ lực từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, nông dân, nhà quản lý đồng hành, đóng góp nguồn lực, chia sẻ tri thức sẽ có ý nghĩa phát huy hơn nữa giá trị đầu tư, liên kết, hợp tác chặt chẽ để mang đến một hệ sinh thái nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững”, ông Phòng nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân năng suất lao động và hiệu quả vượt trội, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Mebi Farm cho rằng, những năm gần đây, mô hình nông nghiệp xanh được nhiều cơ quan, ban, ngành, nhà đầu tư quan tâm xúc tiến nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tăng năng suất và phẩm chất cây trồng, vật nuôi, đồng thời ít gây ô nhiễm. Song, để triển khai vào thực tiễn vẫn còn nhiều thách thức, và thách thức lớn nhất là công nghệ và vốn đầu tư.
Trước tiên, muốn sử dụng ít tài nguyên nhưng vẫn đạt năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt thì cần đầu tư vào công tác giống, quy trình công nghệ canh tác và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Về khía cạnh này, để kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng và triển khai được vào sản xuất kinh doanh, hoạt động nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhà nông, đi cùng nhà nông.
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường. Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. |
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Duy, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh hiệu quả, cần phải có những cơ chế hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước để nhà đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững... Ngoài ra, đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn như Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…
“Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả, toàn diện và bền vững hơn là vấn đề cấp thiết đặt ra, cần có những chính sách đột phá để sớm triển khai vào thực tiễn”, ông Duy nhấn mạnh.