Dịch bệnh rình rập đàn vật nuôi: [Bài 2] Lơ là, chủ quan là 'toang'

Bình luận · 78 Lượt xem

Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nếu chính quyền, ngành chức năng lơ là, thiếu trách nhiệm, dịch bệnh dễ bùng phát và diễn biến phức tạp.

Dân mua lợn nhiễm bệnh về nuôi

Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho hay, trong tháng 5/2024, lực lượng chức năng phát hiện một hộ dân tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa mua 24 con lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ về thả nuôi.

Điều đáng nói, số lợn này có biểu hiện lâm sàng không bình thường về sức khỏe. Lực lượng chức năng và ngành thú y đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Chi cục, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp chính quyền địa phương tiêu hủy 24 con lợn với tổng trọng lượng 624kg.

Nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh từ bò dự án rất cao. Ảnh: Võ Dũng.

Nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh từ bò dự án rất cao. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi đã phối hợp với các bên để tìm hiểu nguồn gốc số lợn trên. Tuy nhiên, người dân chỉ cho biết, mua lợn giống trôi nổi ngoài thị trường về nuôi. Sau khi tiêu hủy và thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh thì dịch tả lợn Châu Phi đã không phát sinh, lây lan”, ông Hậu cho hay.

Đây có lẽ không phải là trường hợp hi hữu tại huyện Hướng Hóa và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chiếm trên 70%, nguy cơ dịch bệnh phát sinh từ con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn tiềm ẩn.

Bài liên quan

Ông Hậu cho biết thêm, huyện Hướng Hóa có chung đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc sống cạnh đường biên khó tránh khỏi việc đi lại thăm thân, trao đổi một vài loài vật nuôi. Vì vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.

Nếu cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không tăng cường công tác kiểm soát không chỉ huyện Hướng Hóa mà các địa phương trong tỉnh cũng sẽ luôn thường trực nỗi lo dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho hay, trước tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp khi mùa mưa sắp đến, UBND huyện Hướng Hóa đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Chỉ tính từ tháng 3/2024 đến nay, trước tình trạng bò dự án cấp cho người dân xuất hiện dịch bệnh, UBND huyện Hướng Hóa đã có nhiều công văn chấn chỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương và ngành chức năng thực hiện nghiêm túc văn bản hướng dẫn của ngành thú y. Tuy nhiên, tình trạng bò dự án nhiễm bệnh vẫn xẩy ra.

Bò dự án nhiễm bệnh khiến người dân khốn đốn. Ảnh: Võ Dũng.

Bò dự án nhiễm bệnh khiến người dân khốn đốn. Ảnh: Võ Dũng.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên cạn, trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cũng đã lấy gần 80 mẫu giám sát virus dịch tả lợn Châu Phi đối với lợn đưa vào các điểm, lò giết mổ tập trung, trong đó có 2 mẫu dương tính với rút dịch tả lợn châu Phi, 3 mẫu giám sát virus dại đối với chó nghi mắc dại, kết quả có 1 mẫu dương tính với virus dại.

Dịch bệnh trên cạn vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ và có thể phát sinh, lây lan và bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, chính quyền, ngành chuyên môn không thể lơ là, chủ quan.

Nguy cơ cao lây lan dịch bệnh

Xin trở lại với câu chuyện bò dự án nhiễm bệnh lây lan ra đàn gia súc địa phương. Đây không phải là lần đầu tiên tại huyện Hướng Hóa, dịch bệnh phát sinh trên đàn bò dự án.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, bò dự án cấp cho người dân xã Húc, Hướng Lộc… cũng xuất hiện bệnh lở mồm long móng và lây lan ra đàn bò địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị nhà thầu để xẩy ra tình trạng bò nhiễm dịch sau đó vẫn trúng thầu các gói dự án cung cấp bò giống.

Bò lai Sind từ địa phương khác đưa về huyện miền núi Hướng Hóa thích ứng chậm với điều kiện thời tiết. Ảnh: Võ Dũng.

Bò lai Sind từ địa phương khác đưa về huyện miền núi Hướng Hóa thích ứng chậm với điều kiện thời tiết. Ảnh: Võ Dũng.

Còn tại xã Hướng Phùng, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, nhân viên thú y xã xác nhận đã báo cáo sự việc lên UBND huyện và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên, trong thời điểm nhạy cảm, dịch có nguy cơ lây lan, bùng phát, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa lại không báo cáo lên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị.

“Chúng tôi không nhận được báo cáo nào của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa về tình hình dịch lở mồm long móng trên đàn bò dự án tại xã Hướng Phùng”, ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị khẳng định.

Khi được hỏi về lý do không báo cáo lên ngành thú y cấp trên, ông Lê Văn Châu, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa lý giải: “Thời điểm đó, người dân đã chữa trị nên không thể lấy mẫu xét nghiệm. Các đơn vị cung ứng đã cung cấp thuốc, hóa chất tiêu độc khử trùng, huyện cũng đã tiêm được gần 400 liều vacxin lở mồm long móng. Về cơ bản, dịch bệnh được khống chế”.

Theo ông Nguyễn Trung Hậu, trong các tháng cuối năm, các loại dịch bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi có nguy cơ phát sinh và lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm.

Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp. Việc mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ngày càng nhiều, khó kiểm soát.

Công tác tiêm phòng vụ xuân 2024 đối với các loại vacxin phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục và cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp vì không cung ứng đủ vacxin do vướng mắc trong việc phê duyệt đấu thầu mua vacxin. Đàn lợn trên địa bàn tỉnh không được tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi do giá vacxin cao…

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị yêu cầu các địa phương chủ động khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh theo nguyên tắc phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương, phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch động vật, nguồn lây các ổ dịch động vật, ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Phong tục chăn thả gia súc tại các địa phương miền núi khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Phong tục chăn thả gia súc tại các địa phương miền núi khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ảnh: Võ Dũng.

Ngành Thú y Quảng Trị đề nghị các địa phương bám vào kế hoạch của tỉnh, triển khai kế hoạch tiêm phòng vacxin vụ thu năm 2024, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2.

Ngành thú y tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đối với các bệnh cúm gia cầm và lở mồm long móng; giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh; đảm bảo công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được thực hiện đúng theo quy định.

“Ngay từ đầu năm, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là đối với việc cung cấp vật nuôi thuộc các chương trình dự án. Nếu dịch bệnh phát sinh mà không báo cáo lên thú y cấp trên là chưa đúng rồi”, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị.

Bình luận