Cần cơ chế đột phá để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh

Bình luận · 69 Lượt xem

Nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp xanh đồng bộ, hiệu quả trên diện rộng rất cần các cơ chế hỗ trợ mang tính đột phá.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/7.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. 

Bên cạnh cam kết cắt giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam còn đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực trước tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số…Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và tiêu dùng xanh. Tuy nhiên, đây là một quá trình khó khăn và đầy thách thức.

Cụ thể, Việt Nam  chưa có quy hoạch về việc sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản… Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang hạn chế việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung.

Mặt khác, người tiêu dùng chưa đánh giá đúng, đủ về chất lượng sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường, thiếu tin tưởng và chưa ưu tiên lựa chọn nông sản hữu cơ. Người nông dân còn hạn chế về trình độ, kiến thức nên khó tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Thói quen và tư duy cũ trong sản xuất, lạm dụng phân bốn vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; kháng sinh trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ con người và uy tín sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Để hội nhập thành công trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, ông Ngô Xuân Chinh cho rằng, Việt Nam cần có những bước tiến đột phá, hướng đến xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Cụ thể, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân đều phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, da dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp đa giá trị.

Muốn có sự dịch chuyển sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, ngành nông nghiệp cần áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất. Việc thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng xanh cần có vốn đầu tư lớn so với sản xuất thông thường. Vì vậy, các thủ tục cho vay và thu nợ đối với dự án phát triển nông nghiệp xanh cần đơn giản, phù hợp với thực tế từng mô hình.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần huy động các nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp, đảm bảo có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp cho các hộ gia đình để họ mở rộng quy mô sản xuất. Ngành nông nghiệp tăng cường hợp tác với các quốc gia tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ sản xuất.

Đối với bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp xanh, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng chưa tìm được nguồn cung phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hoá quy trình, đăng ký mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu đủ uy tín; đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo sự cân đối cung cầu.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu khi quỹ đất nông nghiệp của thành phố ngày càng bị thu hẹp. Thành phố cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao.

Từ những hoạt động chuyển giao công nghệ thời gian qua, ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững trong quy trình sản xuất. Mô hình nông nghiệp xanh tại các địa phương, doanh nghiệp và người dân đang ngày càng được quan tâm và phát triển.

Mặc dù, đã đạt được những thành tựu nhất định, quá trình thực hiện mô hình nông nghiệp xanh tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa thể phát triển rộng rãi do thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Theo ông Lê Minh Dũng, để thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp và Thành phố cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, nhằm khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phương thức sản xuất.

Ví dụ, các chương trình hỗ trợ về chi phí mua sắm thiết bị công nghệ cao, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) với khoản vay không lãi suất hoặc có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thị trường, thời hạn vay phù hợp với từng dự án.

“Đối với nguồn nhân lực, cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao trong nông nghiệp cho nông dân và cán bộ hợp tác xã. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao. 

Song song đó, Thành phố cần hoàn thiện chính sách về đất đai và xây dựng, tạo thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã đầu tư công nghệ, công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, khuyến khích, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.”, ông Lê Minh Dũng đề xuất.

Bình luận