Dịch bệnh rình rập đàn vật nuôi: [Bài 1] Bò dự án lây cho bò nhà

Bình luận · 91 Lượt xem

Bò dự án lây bệnh sang bò nhà, người dân mua giống vật nuôi trôi nổi… là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.

14 con bò dự án nhiễm bệnh

Ngày 27/6/2024, gia đình ông Hồ Văn Hùng, Hồ Thị Khéo tại thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được nhận 2 con bò thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chỉ 2 ngày sau, bò dự án xuất hiện các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng và lây sang bò nhà. Ông Hùng đã tách 3 con nhiễm bệnh vào khu nuôi nhốt riêng để điều trị. Cơ quan thú y cấp huyện, xã cũng đã tổ chức tiêm phòng vacxin và tiêu độc khử trùng kịp thời nên dịch bệnh không lây ra diện rộng.

Bò dự án có các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

Bò dự án có các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

“Lúc nhận, bò đã đi cà nhắc, nhưng mình không để ý nên nhốt chung với bò nhà. Sau 2 ngày, thấy bò dự án chảy nước miếng, kẽ móng chân bị nứt, chảy máu, lưỡi bị bong tróc và lây sang 1 con bò nhà. Sau đó, mình báo với xã thì có thú y về chữa trị nên nay cũng đã đỡ nhiều rồi”, ông Hùng cho hay.

Bài liên quan

Còn theo thông tin từ ông Hồ Văn Yên, trưởng thôn Bụt Việt, 23 hộ nghèo trong thôn đã được nhận 46 con bò dự án. Thời điểm nhận bò, 6 con có biểu hiện bệnh ở mắt. Đơn vị cung ứng đã hướng dẫn người dân dùng nước muối sinh lý để chữa cho bò.

Tuy nhiên, sau gần 1 tháng điều trị, bò vẫn không khỏi bệnh. Trong số này hiện có 1 con bò bị sưng chân, có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng đang được chữa trị nhưng vẫn chưa khỏi.

Theo thông tin từ UBND xã Hướng Phùng, thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, địa phương này được giao làm chủ đầu tư cấp 176 con bò cho người dân. Các đơn vị trúng thầu gồm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng; Liên danh nhà thầu: Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành, Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Dịch vụ Sunamy; Công ty TNHH MTV Toàn thịnh Paciffic; Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành và Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại  Dịch vụ Sunamy.

Sau khi hoàn thành hồ sơ thủ tục và lựa chọn được nhà thầu, địa phương phối hợp với ngành chức năng lập đoàn kiểm tra, tiếp nhận, lựa chọn bò giống rất kỹ lưỡng tại khu vực cổng B (bắt đầu vào địa bàn huyện Hướng Hóa). Tất cả bò dự án khi cấp cho bà con đều có đầy đủ các giấy tờ, thủ tục, tiêm phòng vacxin, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thú y.

Đến thời điểm này, UBND xã Hướng Phùng đã cấp cho người dân 150 con bò. Nhưng trước thực tế một số con xuất hiện dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng, UBND xã Hướng Phùng đã tạm thời dừng tiếp nhận.

Lây sang bò nhà của ông Hồ Văn Hùng. Ảnh: Võ Dũng.

Lây sang bò nhà của ông Hồ Văn Hùng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, trong số 150 con bò cấp cho người dân, có 14 con xuất hiện các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng. Một con tại thôn Bụt Việt bị chết sau khi cấp đã được cấp đổi. Chính quyền, ngành chức năng và đơn vị cung ứng đã phối hợp với người dân để tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây và điều trị cho đàn vật nuôi. Về cơ bản, bệnh lở mồm long móng đã được khống chế, không bùng phát, lây lan ra diện rộng.

Nhiều con có biểu hiện các bệnh về mắt và nấm ngoài da. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều con có biểu hiện các bệnh về mắt và nấm ngoài da. Ảnh: Võ Dũng.

Lo cho đàn gia súc địa phương

Theo hợp đồng ký giữa UBND xã Hướng Phùng và các đơn vị cung ứng, bò dự án cấp cho người dân là giống bò lai Sind sinh sản 25-50% máu ngoại. Số bò này được đưa từ các tỉnh khác về. Phần nhiều trong số này, chủ hàng là ông Nguyễn Văn Dụng có địa chỉ tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Số bò này được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều con cấp cho người dân, dù đủ trọng lượng nhưng gầy trơ xương, kén ăn. Một số con khó có thể trở thành bò sinh sản tốt như mục tiêu dự án đề ra.

Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, một số con bò không đạt yêu cầu đã được chủ đầu tư loại, không cho đưa vào địa bàn. Bò được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, đảm bảo đúng quy trình. Tuy nhiên, khi đưa vào địa bàn, có thể bò chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu nên một số con có triệu chứng dịch bệnh lở mồm long móng ở thể nhẹ. Đàn gia súc địa phương được tiêm phòng đầy đủ nên việc khống chế cũng không quá khó khăn.

Dọc tuyến đường đi qua xã Hướng Phùng, không khó để bắt gặp những con bò dự án có gắn thẻ tai được thả ăn chung cùng đàn gia súc địa phương. Điều đáng nói, trong số này, có những con bò dự án bị bệnh ở mắt, chân sưng, có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng. Một số con bị dấu vết của một số bệnh ngoài da hiện chưa điều trị dứt điểm. Nhưng với người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhận được bò dự án là cả một niềm vui lớn, họ không nghĩ được gì nhiều.

Bà Hồ Thị Xan, một hộ được nhận 2 con bò dự án tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, sau khi nhận, con bò lai rất kén ăn. Ở tai và da có nhiều vết lở loét, bà phải đi mua thuốc về tự điều trị. Đến nay, bò cơ bản đã thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương nhưng rất lười ăn và các vết thương vẫn chưa lành hẳn.

“Được nhận bò là mẹ vui rồi. Cả tháng nay, mẹ đi mua thuốc về phun lên tai, lên da cho bò. Nay cũng đã đỡ rồi”, bà Xan chia sẻ.

Thả chung bò dự án bị bệnh với đàn gia súc địa phương khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan. Ảnh: Võ Dũng.

Thả chung bò dự án bị bệnh với đàn gia súc địa phương khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan. Ảnh: Võ Dũng.

Một trong số hai con bò của ông Hồ Nhơn, thôn Bụt Việt vừa được nhận có dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, ông Nhơn vẫn thả trên đồng cỏ, bên cạnh là đàn dê, bò của người dân địa phương.

Ông Hồ Văn Yên, trưởng thôn Bụt Việt cho biết, con bò này hiện đang được thú y xã điều trị. Bò dự án, sau  khi nhận, người dân thường không tách riêng chăm sóc mà thả chung với đàn gia súc địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Hoàng, nhân viên thú y xã Hướng Phùng cho hay, sau khi cấp bò dự án, địa phương đã khuyến cáo người dân tách riêng để chăm sóc, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, chính quyền cũng không thể giám sát được hết nên có thể một số hộ nuôi nhốt chung với đàn gia súc địa phương.

Ông Hoàng còn khẳng định, đàn bò địa phương đã được tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng, bò dự án nhiễm bệnh ở thể nhẹ nên nguy cơ lây lan rất thấp.

“Sau khi xuất hiện bệnh trên bò dự án, chúng tôi đã báo lên thú y huyện và đơn vị cung ứng. Các bên đã phối hợp để tiêm phòng bao vây, phun tiêu độc khử trùng và tổ chức chữa trị cho những con bò có triệu chứng. Đến nay, cơ bản bò nhiễm bệnh đã điều trị khỏi triệu chứng”, ông Nguyễn Tuấn Hoàng, nhân viên thú y xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Bình luận