Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 1] Vị thế ‘trái rồng’ miền Tây

Bình luận · 71 Lượt xem

Những vùng sản xuất thanh long tập trung quy mô hàng hóa tại Long An, Tiền Giang đã tạo vị thế xuất khẩu trái cây cho vùng đất 'chín rồng'.

Hình thành vùng hàng hóa tập trung

Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang với gần 6.900ha, trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.850ha, với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Đặc biệt hơn, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200ha và trên 300ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đến nay, thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Đến nay, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Minh Sáng.

Đến nay, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Minh Sáng.

Để tạo mối liên kết cũng như tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, huyện Chợ Gạo đã hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP để cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát ở xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với 39 thành viên tham gia sản xuất trong 8 tổ hợp tác với diện tích 132ha.

“Chúng tôi tập trung xây dựng chuỗi liên kết, đặc biệt là mở rộng mô hình sản xuất trái thanh long sạch để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính”, ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát chia sẻ: 

Theo ông Quý, hiện nay HTX đã hoàn tất thủ tục hồ sơ xin cấp 8 mã vùng trồng để xuất đi các nước và đã được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Trái thanh long của HTX cũng được tỉnh Tiền Giang cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Đây là tín hiệu vui cho xã viên khi sản phẩm trái thanh long của HTX thâm nhập được vào các thị trường khó tính trong tương lai.

Với mục tiêu phát triển cây thanh long bền vững, các địa phương đang hướng tới chinh phục các thị trường khó tính thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Minh Sáng.

Với mục tiêu phát triển cây thanh long bền vững, các địa phương đang hướng tới chinh phục các thị trường khó tính thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: Minh Sáng.

HTX Hưng Thịnh Phát đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất khép kín với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, kho lạnh... nhằm gia công đóng gói xuất khẩu trái thanh long theo tiêu chuẩn HACCP, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sơ chế được gần 150 tấn thanh long cùng các loại trái cây khác để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước cũng như cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Quý cho biết.

Để trợ lực cho các HTX, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu các thị trường xuất khẩu.

Xác định thanh long là trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của địa phương và mang lại giá trị xuất khẩu cao, Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600ha tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông… Đồng thời, đã xây dựng được trên 2.300ha thanh long đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 2.196ha đạt chứng nhận VietGAP và 110ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Tiền Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 3.600ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP.

Đến nay toàn tỉnh đã có 80 mã số vùng trồng thanh long cùng diện tích hơn 6.140ha xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia… Đây được coi là “giấy thông hành” quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới.

Tiền Giang đã xây dựng được các vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Tiền Giang đã xây dựng được các vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Địa phương đang kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long, góp phần giải quyết đầu ra cho trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.

Liên tục "làm mới mình" để thích ứng

Với hiệu quả kinh tế vượt trội từ “trái rồng” mang lại, tỉnh Long An cũng chọn thanh long là một trong bốn loại cây trồng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Thanh long được Long An lựa chọn là cây trồng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

Thanh long được Long An lựa chọn là cây trồng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.

Dẫn chúng tôi tham quan những vườn trồng thanh long ứng dụng CNC, ông Nguyễn Văn Hôn, nguyên cán bộ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành hào hứng khoe: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các HTX, nông dân trồng thanh long ở Long An đang liên tục “làm mới mình” để thích ứng. Điển hình như mô hình trồng thanh long ứng dụng CNC của HTX Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành).

HTX này hiện có trên 50ha thanh long với trên 60 thành viên, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và được công ty thu mua bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.

“Chúng tôi đang đầu tư ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động và chi phí đầu vào, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống”, ông Trương Minh Trung, Giám đốc HTX Long Hội phấn khởi cho biết.

Hiệu quả kinh tế từ 'trái rồng' mang lại đã góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng cho các hộ sản xuất thanh long tại nhiều địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Hiệu quả kinh tế từ “trái rồng” mang lại đã góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng cho các hộ sản xuất thanh long tại nhiều địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Nông dân Ngô Văn Nhàn, ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ khẳng định, nhờ chuyển đổi 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, trang bị hệ thống tưới tự động và tưới tiết kiệm giúp vườn thanh long của gia đình ông luôn đạt năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha/vụ, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.

Hiện nhiều hộ dân ở địa phương cũng chuyển đổi theo và tích cực tham gia sản xuất thanh long ứng dụng CNC. Họ được các ngành chức năng hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, sản xuất an toàn, bền vững hơn. Đến nay, các nông hộ đều nhận đươc “quả ngọt”.  

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, đến nay toàn tỉnh đã có 236 mã số vùng trồng thanh long được cấp để xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu "trái rồng" của vùng đất Long An.

Người dân trồng thanh long được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, an toàn, bền vững. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân trồng thanh long được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, an toàn, bền vững. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết: “Tỉnh đang triển khai chia nhỏ quy mô diện tích mã vùng trồng tới từng ấp, từng tổ hợp tác. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thanh long ứng dụng CNC, nhằm đáp ứng tốt cho các thị trường xuất khẩu”.    

Toàn tỉnh Long An đã phát triển được 4.000 ha thanh long ứng dụng CNC và mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng lên 6.000ha. Hiệp hội và các HTX đang triển khai các mô hình trồng thanh long sạch theo hướng hữu cơ, đặc biệt là chú ý đến các quy định, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.

Hiện có hai giống thanh long chủ lực trong sản xuất ở Việt Nam gồm thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng. Trong đó, giống thanh long ruột đỏ là chủ lực tại tỉnh Long An, chiếm 97% diện tích, Tiền Giang (71%). Đến nay, cây thanh long đã hình thành các vùng sản xuất hóa tập trung tại Long An và Tiền Giang, thuận lợi cho tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn xuất khẩu.

Bình luận