Quảng Nam loay hoay cơ chế tín chỉ carbon rừng

Bình luận · 70 Lượt xem

Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng của tỉnh đã hoàn thiện và trình Bộ NN-PTNT thẩm định nhưng chưa được phê duyệt do vẫn còn một số hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như vướng mắc về pháp lý.

Tiềm năng lớn

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề Dự trữ carbon và đa dạng sinh học với sự tham dự của các Bộ, ngành và nhiều tỉnh thành ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ năm Đa dạng sinh học Quốc gia - với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” do UBND tỉnh Quảng Nam đăng cai nhằm chia sẻ với các bên liên quan về thực trạng đa dạng sinh học, tài nguyên rừng cũng như tiềm năng và tiến trình xây dựng đề án thí điểm carbon, phục hồi rừng tại Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 460.000ha rừng tự nhiên. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 460.000ha rừng tự nhiên. Ảnh: L.K.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, địa phương này là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam. Quảng Nam lại nằm ở trung tâm của khu vực Trung Trường Sơn, là nơi giao thoa giữa hệ thực vật phía Bắc và phía Nam nên rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng cùng sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu.

Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng. Quảng Nam cũng là địa phương có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng.

Trong giai đoạn 2005 - 2016, rừng của Quảng Nam phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm; mức phát thải ròng trung bình hằng năm là 938.541 tCO2e/năm. Ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019 - 2030 lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm.

Mặc dù vậy, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong những năm qua, với áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế… dẫn đến hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, tỉnh tập trung chú trọng chỉ đạo công tác quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi, nâng cao đời sống nhân dân sống trong và ven rừng, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ rừng cũng như nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp bằng nhiều nguồn lực của Trung ương, địa phương, nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Ảnh: L.K.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng. Ảnh: L.K.

“Tuy nhiên, với thực tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác bảo vệ và phát triển rừng để tiến tới đạt mục tiêu giảm mất rừng, suy thoái rừng và phục hồi chức năng các hệ sinh thái rừng, từng bước giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu”, ông Út nói.

Nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quản lý rừng bền vững, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030.

Sau đó, UBND tỉnh đã nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện và trình Bộ NN-PTNT thẩm định thì đến nay Đề án chưa được phê duyệt do vẫn còn một số hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như vướng mắc về pháp lý. Vì vậy, đến nay, tỉnh Quảng Nam chưa bán được tín chỉ carbon rừng.

Thúc đẩy nhanh quá trình tham gia thị trường carbon rừng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn tài nguyên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình) cho biết, xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, địa phương đã sớm đề xuất với Bộ NN-PTNT tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng thế giới tài trợ.

Đến nay, Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% từ nguồn ERPA cho đối tượng rừng tự nhiên tương đương hơn 235 tỷ đồng, riêng năm 2023 là 82 tỷ đồng. Hiện địa phương đã thực hiện chi trả cho các chủ rừng đạt 81% kế hoạch.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng. Ảnh: L.K.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng. Ảnh: L.K.

“Thời gian tới tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy thế mạnh rừng tự nhiên để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng và thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon bằng các giải pháp như thực hiện các hoạt động trồng rừng mới trên địa bàn theo tiêu chuẩn quốc tế và tạo tín chỉ carbon. Thực hiện các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, phục hồi trồng rừng ngập mặn. Tất cả các hoạt động này sẽ được đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay còn có những khó khăn, thách thức cũng như một số giải pháp đối với thương mại carbon trong lâm nghiệp gồm khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon.

Ngoài ra, năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng; dữ liệu, tính minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải, thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp… hạn chế. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm carbon có chất lượng cao; truyền thông, tập huấn kỹ thuật bài bản cho các địa phương.

Đối với tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tại, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng. Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Mục tiêu hướng đến là tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững cho tương lai.

“Tôi đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị của Thủ trướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030 cũng như Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua các hoạt động đánh giá hiện trạng, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lâm nghiệp”, ông Bửu yêu cầu.

Bình luận