Những vấn đề về xây dựng nông nghiệp đô thị thông minh ở Hà Nội

Bình luận · 69 Lượt xem

Ngành nông nghiệp thủ đô đã xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị thời kỳ 2022-2026 nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố thông minh. Vậy vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp trong xây dựng thành phố thông minh l

Nhu cầu phát triển nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng lớn

Với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần của 2 tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc vào thủ đô Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp toàn TP lên tới trên 197.793ha, chiếm 58,9% diện tích tự nhiên; dân số nông thôn có 4,3 triệu người với lực lượng lao động chiếm trên 56% tổng số lao động, đã đưa thủ đô trở thành địa phương sản xuất nông nghiệp lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trị giá sản xuất nông nghiệp mới chiếm 2,3% tổng sản phẩm (GRDP) và chỉ đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu của người dân TP.

nndt.jpg
Nông nghiệp đô thị góp phần tác động vào sự phát triển của thủ đô - Ảnh: Internet

Đến năm 2022, Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359,82km2 và hơn 8,53 triệu người, trong đó dân số ở nông thôn chiếm 50,9%. Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; có tổng số 175 phường, 21 thị trấn và 383 xã. Với số huyện, xã và dân số nông thôn khá lớn, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả TP. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp cùng giá trị văn hóa của các làng nghề, nông nghiệp Hà Nội có thể tạo được động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thủ đô.

Diện tích đất nông nghiệp của TP hơn 197.793ha, chiếm 58,9% diện tích tự nhiên; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 6,1%; đất nuôi trồng thủy sản 4,5% và đất nông nghiệp khác khoảng 2%. Cuối năm 2022, sản xuất nông nghiệp chiếm 2,3% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn, mới đáp ứng được từ 30% đến 65% nhu cầu LTTP của cư dân thành phố. Thực trạng phát triển cho thấy, thành phố còn nhiều tiềm năng để phát triển nền nông nghiệp để xứng tầm với vai trò và vị trí thủ đô.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn Hà Nội đã khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp; kinh tế nông thôn phát triển mạnh, môi trường có những chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; nhiều nơi đã trở thành những làng quê đáng sống với 382/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15,7 triệu (năm 2010) lên 59,4 triệu đồng (2022) và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,25% xuống còn 0,37% vào năm 2020. Thủ đô trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân", ngành nông nghiệp thủ đô đã xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) thời kỳ từ 2022-2026. Đề án đã tập trung vào đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thực hiện đối với các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trung tâm dịch vụ; hộ gia đình, cá nhân trực tiếp hoạt động sản xuất, làm dịch vụ nông nghiệp và các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan.

Nông nghiệp đô thị ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển của thủ đô

Theo đó, không gian NNĐT có thể phân thành 3 vùng theo đặc điểm của đô thị hóa. Đó là nông thôn ven đô, đô thị ven đô và nội đô. Trong phân tích phát triển NNĐT ven đô, các nhà nghiên cứu cho rằng nông nghiệp của Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố ở nước ta thường phát triển theo mô hình 3 vành đai, gồm nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp đa dạng hóa, nông nghiệp thích ứng. Dân số Hà Nội gia tăng nhanh đã nảy sinh lo ngại về cung cấp lương thực. Làm thế nào giữ an ninh lương thực bền vững mà không gây nguy hại tài nguyên môi trường là vấn đề lớn đặt ra.

Khi đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của chính quyền đô thị, đất nông nghiệp được giao cho nhà đầu tư, nông dân mất đất canh tác. Mặt khác, đất nông nghiệp manh mún, không liền mạch nên việc mở rộng canh tác và đầu tư sản xuất lớn gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã nông nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động dẫn đến đất đai bị bỏ hoang. Với hạn chế về tuổi tác, trình độ học vấn và kỹ năng làm việc, nông dân khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong đẩy nhanh đô thị hóa, NNĐT giữ vai trò quan trọng để đảm bảo sinh kế và việc làm cho dân nghèo đô thị.

Nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày một gia tăng, nhưng hộ sản xuất nhỏ, không có phương tiện hoặc chưa được đào tạo kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu về thực phẩm an toàn. Thêm nữa, dân số đô thị tăng nhanh còn kéo theo những vấn đề nảy sinh như ô nhiễm nguồn nước, không khí, vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng.

NNĐT không chỉ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược bền vững sinh kế, tạo nguồn thu GDP dựa trên giá trị gia tăng từ đất nông nghiệp mà còn được xem là hướng đi khả dĩ để giải quyết những bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa như an ninh lương thực và môi trường, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái và cảnh quan bền vững trong tương lai.

Phát triển NNĐT sẽ từng bước thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống sang sản xuất nông sản hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác mới theo hướng sinh thái, bền vững, an toàn sinh học, giảm thiểu tác động ô nhiễm, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. NNĐT đóng góp quan trọng vào chiến lược đô thị hóa xanh, thông minh và bền vững. Phát triển NNĐT sản xuất sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cộng đồng; đảm bảo không chỉ phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bao trùm mà còn bảo tồn được các giống, loài cây trồng và vật nuôi.

Trên quan điểm của hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, Hà Nội còn nhiều khó khăn trong phân phối và tiêu dùng nông sản thực phẩm. Quá trình đô thị hóa tác động mạnh tới sự đa dạng, mật độ và khoảng cách của các điểm cung cấp thực phẩm. Các điểm bán thực phẩm trong đô thị đòi hỏi đa dạng hơn nhiều so với nông thôn, người tiêu dùng đô thị tiếp cận thực phẩm qua nơi bán thực phẩm như các chợ truyền thống, điểm bán thực phẩm hiện đại, các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích. Nhu cầu tiêu dùng của đô thị không chỉ phụ thuộc vào tính chất mùa vụ và chế độ ăn của người tiêu dùng mà còn có thêm thực phẩm được du nhập từ nước ngoài. Người dân đô thị giữ vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn thực phẩm tiêu dùng.

Trong những thập niên gần đây, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có nhiều sai phạm về an toàn thực phẩm. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra 89% người tiêu dùng thế giới đang tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Mức độ đô thị hóa nhanh đã tạo áp lực lớn tới cung cấp thực phẩm truyền thống. Việc sử dụng quá mức đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như lạm dụng chất kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và kiểm soát lỏng lẻo hoặc nhập khẩu lậu; thiếu truy xuất nguồn gốc là những tác nhân gây mất an toàn thực phẩm. Đây cũng là thách thức lớn trong thực hành sản xuất của các nhà sản xuất quy mô còn nhỏ.

Hà Nội có hệ thống thực phẩm đa dạng với nhiều lựa chọn khác nhau giữa các vùng miền, nhóm dân tộc, khí hậu và mùa vụ. Trong khi lúa gạo là thực phẩm chính, thì sở thích và cách lựa chọn ngày càng thay đổi; thịt lợn tăng nhanh trong những năm gần đây, tiêu thụ các loại rau xanh trở nên vô cùng quan trọng. Mặc dù sản phẩm sữa không phải là thực phẩm được ưa chuộng trong chế độ ăn truyền thống ở nước ta, nhưng xu hướng tiêu dùng lại ngày càng mở rộng. Việc lựa chọn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và thực phẩm có mùi vị ngon và hấp dẫn ngày một gia tăng. Sở thích lựa chọn thực phẩm có sự thay đổi và khác nhau giữa các thế hệ. Trong đó, giới trẻ có xu hướng thích tiêu thụ thực phẩm hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây, còn người lớn tuổi lại thích tiêu thụ thực phẩm truyền thống. Hành vi tiêu dùng hướng tới "ăn ngon miệng hơn" đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng bữa ăn trong ngắn và dài hạn.

Ăn uống bên ngoài hộ gia đình ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng lựa chọn ăn bên ngoài vì lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho nấu nướng và chi phí rẻ hơn mua đồ ăn để nấu nướng tại nhà. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030 và tầm nhìn 2045 xác định rõ định hướng nông nghiệp sinh thái. Với Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định tầm nhìn đô thị sinh thái, bền vững, khẳng định rõ vai trò của NNĐT.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất nông nghiệp với cung ứng và tiêu dùng lương thực thực phẩm, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030 (Quyết định 300, ngày 28.3.2024). Theo đó, quy định chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của mọi tác nhân trong toàn hệ thống, được thực hiện đồng thời ở nhiều cấp từ trung ương tới địa phương dưới sự giám sát, điều hành thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ. Việc xây dựng đề án phát triển NNĐT theo hướng tích hợp thực hiện kế hoạch hành động quốc gia là có cơ sở pháp lý và thực tiễn ở thủ đô.

Bình luận