Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Bình luận · 68 Lượt xem

STO - Ngày 29/7, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp để nghe ngành Nông nghiệp tỉnh báo cáo Dự án Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản trên địa b

Dự án Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2024 - 2025 định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh, với mục tiêu là đổi mới tổ chức lại sản xuất theo hướng tập hợp nhiều nông dân có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm… Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của tỉnh, thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ gắn với thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro của các chủ thể tham gia chuỗi liên kết.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 đến năm 2025, kinh phí thực hiện hơn 17,4 tỷ đồng, bao gồm các hợp phần chính như: Hợp phần 1, xây dựng và hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo, hành tím, trái cây, chăn nuôi, thủy sản: xây dựng 5 chuỗi giá trị; Hợp phần 2, xây dựng câu chuyện sản phẩm cho các sản phẩm OCOP; Hợp phần 3, hỗ trợ một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Đồng chí Vương Quốc Nam nhận định, thông qua báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho thấy, dự án phù hợp với chủ trương tại Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 9/2/2021 và đảm bảo mục tiêu đặt ra của Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh. Qua đó yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh chỉnh sửa lại một số nội dung trong dự án có liên quan đến đối tượng hỗ trợ, tránh trùng lắp; rà soát định mức chi cho từng hợp phần; đánh giá lại thực trạng sản phẩm để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; xem nội dung thể hiện câu chuyện sản phẩm OCOP; đối tượng để liên kết tiêu thụ sản phẩm… Sau đó, trình dự án đã hoàn chỉnh đến UBND tỉnh trong tháng 8/2024.

THÚY LIỄU

Bình luận