Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng lúa kém hiệu quả ở Trịnh Xá

Bình luận · 74 Lượt xem

Thời gian qua, chuyển đổi cây trồng tại xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) nhờ đi đúng hướng nên đã mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các mô hình chuyển đổi, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản ph?

Trịnh Xá là xã thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp 450ha, trước đây, chủ yếu trồng lúa và các loại cây màu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Xác định chuyển đổi cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng, nhằm mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên vùng đất trũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, bác Ngô Thế Quang, thôn Thượng cho biết: Trước đây, tôi có 5 sào ruộng trồng lúa kém hiệu quả. Năm 2019, được cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã thầu thêm 2,5 mẫu ruộng, cải tạo đất và chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Khi bắt tay vào xây dựng mô hình, tôi gặp không ít khó khăn, chủ yếu do chất đất kém, trũng. Không quản ngại, tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đến nay, vườn đa canh của tôi có khoảng 300 gốc bưởi diễn, 50 cây nhãn (giống nhãn Hưng Yên), 60 gốc mít thái, 300 gốc đào thế, phục vụ dịp Tết.

Bác Ngô Thế Quang (thôn Thượng) mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình quân hằng năm, vườn cây của bác Quang thu được khoảng 5,5 tấn nhãn, 20 – 25 tấn bưởi diễn và khoảng 3 tấn mít thái... Vào dịp Tết, mỗi cây đào cho  thuê có giá dao động từ 1 – 3 triệu đồng... Trừ các khoản chi phí, bác Quang thu lợi nhuận khoảng hơn 400 triệu đồng/năm. Với thành công bước đầu, bác Quang đã thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong và ngoài xã, rất nhiều hộ nông dân đã học tập và làm theo.

Rời mô hình của bác Quang, chúng tôi tới thăm mô hình của gia đình bác Mai Văn Phú, thôn An Hoàng. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, bác Phú cho biết: Trước đây, do đặc thù thế đất thấp, nước ngập sâu liên tục, vì vậy lúa thường vống cao, thân mềm yếu, dễ bị sâu bệnh... hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, tôi mạnh dạn xin chuyển đổi diện tích trống lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả. Lúc đầu cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm nhưng vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa thực hành, đến nay, với diện tích gần 1 mẫu, gia đình tôi đã trồng bưởi diễn, cau, mít thái, bồ kết…  Tất cả những cây trong vườn đều là những cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2019 cho đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 32,5 ha đất trồng lúa, rau màu năng suất thấp sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi cây trồng đã giúp nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp  7 – 10 lần so với trồng lúa trước đây. Nhờ cách làm mới này, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Trần Hải Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trịnh Xá cho biết: Với chủ trương đúng, trúng cùng cách làm hiệu quả, Trịnh Xá đã có những bước tiến trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để giúp người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền xã đã chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê diện tích sản xuất kém hiệu quả; lập kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng giai đoạn; tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng có tiềm năng kinh tế cao để nhân rộng.  Bên cạnh đó, xã sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản của địa phương.

 Bùi Linh

Bình luận