Có được thành quả trên là nhờ ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Nhiều địa phương của Đồng Nai cũng đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, phát triển nhanh diện tích cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Việc ký nghị định thư xuất khẩu một số mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh.
Tăng trưởng đều ở các lĩnh vực
Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 122,9 ngàn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai 6 tháng đầu năm xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Bộ và cao hơn so với bình quân chung cả nước là 6,42%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng hơn 8,9%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 24,5 ngàn tỷ đồng, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 22,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,34%. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt.
Đến nay, toàn tỉnh có 106/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện nông thôn mới nâng cao.
Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có hơn 2,3 triệu con, giảm 6,14% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn trâu, bò đều tăng, giảm chủ yếu là do tổng đàn heo. Tổng đàn gia cầm hiện có gần 24,3 triệu con, giảm gần 1,4% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân giảm đàn chăn nuôi một phần do người chăn nuôi giảm đầu tư, trong đó có ảnh hưởng từ việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, một số huyện có số lượng cơ sở chăn nuôi lớn như: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc tiến hành rà soát, di dời, hạn chế phát triển các hộ, trang trại chăn nuôi do chưa đảm bảo điều kiện về môi trường dẫn đến tổng đàn giảm.
Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá heo hơi đứng ở mức cao nên người chăn nuôi đang đạt lợi nhuận tốt.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nguyễn Trường Giang, công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ sở chăn nuôi đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương và các đầu mối lưu thông được chú trọng. Do đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có phát sinh, nhưng chỉ ở thể nhẹ và được phòng, chống kịp thời, không phát sinh thành dịch.
Hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển tốt. Giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường khá ổn định, nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các hộ nuôi thủy sản chủ động đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống phù hợp với điều kiện, khí hậu vùng miền, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 39,7 ngàn tấn, tăng hơn 4,9% so với cùng kỳ.
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5,3 ngàn hécta đất lúa kém hiệu quả.
Theo kế hoạch năm 2024, hơn 2 ngàn hécta đất lúa đa số được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Diện tích đất lúa được chuyển đổi đều là đất kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới, năng suất thấp.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 170 ngàn hécta, tăng hơn 390 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là các cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như: chuối, sầu riêng, mít... Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 78,3 ngàn hécta, là nhóm cây trồng thuộc tốp đầu cho lợi nhuận tốt.
Trong đó, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất.
Nông dân sản xuất giỏi Bùi Văn Kịch là người tiên phong tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) trong chuyển đổi từ đất lúa sang trồng bưởi.
Ông Kịch so sánh: “Đất trồng lúa của gia đình tôi là đất ruộng khô cằn, thiếu nước tưới nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, thu nhập rất thấp vì chỉ đạt lợi nhuận từ 12-14 triệu đồng/hécta/năm. Khi chuyển sang trồng bưởi, cùng diện tích đất trên, gia đình tôi thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm”.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, để sử dụng đất hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp. Theo kế hoạch, mỗi năm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều có các chương trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Giới thiệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng.
Bình Nguyên