Trồng sầu riêng thắng lớn, nông dân huyện miền núi ở Khánh Hòa dự kiến chia nhau hơn 1.000 tỷ đồng

Bình luận · 76 Lượt xem

Khánh Sơn được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn trái ở Khánh Hòa, với nhiều sản phẩm cho giá trị kinh tế vượt trội, nổi bật như sầu riêng. Nhờ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, huyện đang

Vụ sầu riêng ở Khánh Sơn mới chỉ chớm bước vào chính vụ, nhưng cách đây một tháng hàng trăm thương lái từ khắp trong Nam ngoài Bắc đã đổ về các vườn để đặt hàng. Tại nhiều khu vườn lớn, dù chưa hái một trái nào, nhưng chủ vườn đã dự kiến thu về hàng chục tỷ đồng.

Thu bạc tỷ từ sầu riêng

5 năm trước, ông Mai Văn Khang, ở thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm quyết định vay ngân hàng 400 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn đồi hiệu quả thấp sang trồng sầu riêng. Dù lúc đó trái sầu riêng cho thấy tiềm năng lớn, nhưng đây vẫn là quyết định vô cùng mạo hiểm.

Ông Khang chia sẻ ở Khánh Sơn nhà ông là một trong những gia đình vay vốn nhiều nhất để sản xuất, vay để mua đất, để sắm sửa máy móc, thiết bị, vật tư... Cách đây 5 năm, sầu riêng dù đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa đắt giá như bây giờ, vì vậy việc vay hàng trăm triệu để chuyển đổi sang trồng loại cây này là một thử thách.

-9360-1722046639.jpg

Cây sầu riêng đang mang lại hàng nghìn tỷ đồng, trở thành "cây tỷ phú" của nông dân Khánh Sơn.

Nhưng không chấp nhận thử thách thì nông dân sẽ rất khó vượt thoát được cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, càng không thể nghĩ đến chuyện thoát nghèo, làm giàu. Với suy nghĩ đó, ông Khang càng quyết tâm làm. Sau khi có vốn, ông triển khai gần 10 ha sầu riêng, năm 2024 này dự kiến mỗi ha cho hơn 1 tỷ đồng.

“Sự mạo hiểm đã cho trái ngọt, nhưng nó đến không hề dễ dàng, tôi và những hộ trồng sầu riêng trong làng đã phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều, từ kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, chăm sóc cây trong quá trình đơm hoa, kết trái, ăn cùng ngủ cùng vườn sầu riêng”, ông Mai Văn Khang tâm sự.

Sầu riêng ở Khánh Sơn có thuận lợi là vào chính vụ muộn hơn nhiều vùng trồng sầu riêng lớn trên cả nước, vậy nên cũng thường xuyên được mùa, được giá. Năm nay, giá sầu riêng Thái và Ri6 trên địa bàn huyện có giá trung bình 80-100 nghìn đồng/kg, nhiều thời điểm cao hơn.

Với thực tế đang diễn ra, năm 2024 gần như chắc chắn những người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn sẽ tiếp tục có một vụ mùa thắng lớn như năm 2023. Năm ngoái, toàn huyện thu hoạch hơn 15 nghìn tấn sầu riêng, thu về trên 1.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 130 tấn.

Hiện thực hóa giấc mơ làm giàu

Cần phải nhắc lại, chỉ hơn 20 năm trước, Khánh Sơn với đặc thù của một huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3/4 tổng dân số, còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng rồi những mô hình cây ăn trái “hái ra tiền”, đặc biệt là sầu riêng, bắt đầu được nhân rộng trên địa bàn huyện, từ đó đổi đời cho nông dân địa phương. Năm 2023, có hơn 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng từ cây sầu riêng.

Năm 2024, năng suất sầu riêng ở Khánh Sơn ước đạt 15 tấn/ha, với giá thành hiện tại, hầu hết các hộ sản xuất có thu nhập tiền tỷ. “Sau nhiều năm liền trúng lớn, giờ ở Khánh Sơn các nhà vườn khá giả đếm không xuể, có nơi cả làng là tỷ phú”, ông Cao Hồng Nhân, thôn Tà Giang 1, xã Thành Sơn nói.

-5650-1722046639.jpg

Khánh Sơn định hướng phát triển sầu riêng theo quy hoạch, nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu.

Ông Nhân cho biết, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chuyển đổi cây trồng ít giá trị kinh tế sang trồng cây sầu riêng nên gia đình ông đã có thu nhập ổn định, mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Sau liên tiếp các vụ mùa thắng đậm, ông đang tiếp tục chuyển đổi những diện tích cây kém hiệu quả để trồng sầu riêng, bởi đây là loại cây trồng mang lại thu nhập rất cao. Hầu hết các hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn cũng đang ồ ạt chuyển đổi diện tích sang trồng sầu riêng với khát khao đổi đời.

Trước tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng, ngành nông nghiệp huyện Khánh Sơn đã chủ động định hướng phát triển theo vùng quy hoạch. Toàn huyện hiện có 5 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích gần 130 ha, được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đáng chú ý, để phát triển bền vững, các địa phương trong huyện đang khuyến khích các hộ sản xuất liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng cạnh tranh.

Điển hình, xã Bình Sơn hiện có hơn 490 ha sầu riêng, 8 ha măng cụt, 68 ha bưởi da xanh và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Trên cơ sở đó, toàn xã đã thành lập 1 HTX đạt chứng nhận VietGAP và 5 tổ hợp tác trồng sầu riêng an toàn, trong đó có 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP.

“Bài toán” phát triển bền vững

Hay như tại xã Sơn Trung, năm 2023, HTX sầu riêng hữu cơ xã Sơn Trung được thành lập, trở thành điểm tựa sản xuất cho hàng chục hộ thành viên. Năm nay, các hộ thành viên HTX đều trúng lớn, hộ có vườn nhỏ cũng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, hộ vườn lớn doanh thu lên tới vài tỷ đồng.

Đại diện HTX cho hay mục tiêu của HTX là tham gia chương trình OCOP cũng như đăng ký tham gia mã vùng trồng để khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu chính ngạch sản phẩm trái sầu riêng.

Cũng hoạt động ở xã Trung Sơn, Tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Trung hiện có trên 30 ha trồng sầu riêng theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Nhờ đó, trái sầu riêng đảm bảo chất lượng và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, sản lượng chưa đạt kỳ vọng, song bù lại sầu riêng được giá nên thành viên tổ hợp tác rất phấn khởi.

Có thể nói, sầu riêng đang là mặt hàng có lợi thế về xuất khẩu và mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho nông dân, các HTX, tổ hợp tác ở Khánh Sơn. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 2.600ha sầu riêng (trong đó có hơn 1.500ha trong thời kỳ kinh doanh).

Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn, để tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang tập trung triển khai đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”.

Cụ thể, huyện chú trọng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, bền vững...

Với ngành hàng sầu riêng, để phát triển bền vững, bên cạnh phát triển vùng trồng theo quy hoạch, thúc đẩy các liên kết chuỗi với đầu tàu là các HTX, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp huyện còn khuyến cáo người dân thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Đồng thời, huyện cũng đang chủ động đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, giúp người dân tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái bằng cách chủ động đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hướng tới mở rộng xuất khẩu. Đồng thời huyện cũng đang đẩy mạnh canh tác an toàn sinh thái kết hợp du lịch, tham quan trải nghiệm...

Trúc Như

Bình luận