‘Thay da, đổi thịt’ vùng nông thôn mới Ia Mlah
Hòa Thuận phấn đấu đạt chuẩn kiểu mẫu đầu tiên ở Đắk Lắk
Xây dựng nông thôn mới còn khó khăn về quy hoạch, môi trường
Du lịch nông thôn, lợi thế của vùng đất nắng gió Ninh Thuận
Thời điểm này, đến các con đường, ngõ xóm xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã thay da đổi thịt nhờ chương trình nông thôn mới.
Năm 2011, xã Ea H’đing bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới đối mặt với nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng còn thấp kém, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất; trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện Cư M’gar, xã Ea H’đing đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân nên huy động được mọi nguồn lực. Đến nay, xã Ea H’đing đã được công nhận nông thôn mới.
Sinh sống tại xã Ea H’đing từ hàng chục năm nay, ông Phan Xuân Đỉnh cho biết, từ khi xây dựng nông thôn mới nhân dân xã Ea H’đing mới thấy rõ sự đổi thay của vùng nông thôn. Những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục… đã tạo đà cho nhân dân vươn lên làm giàu với những mô hình kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Những ngôi nhà bê tông kiên cố, cao tầng dần thay chỗ cho những ngôi nhà ván tạm bợ. Đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thắt chặt tình đoàn kết giữa các xóm làng.
“Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân các dân tộc anh em trong buôn làng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay người dân đã tự chủ lương thực. Nhiều gia đình gạo chất đầy kho, xây được nhà đẹp, mua được xe ô tô. Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy tính hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, buôn làng ngày càng khang trang và sạch đẹp”, ông Đỉnh nói.
“Trước đây, cuộc sống của bà con trong buôn, trong xã khổ lắm, giao thông đi lại lầy lội, làm không đủ ăn, đủ mặc. Tham gia xây dựng nông thôn mới, bây giờ buôn làng nào cũng có đường nhựa, đường bê tông; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang. Chương trình nông thôn mới đã mang đến một cuộc sống mới ấm no cho đồng bào địa phương”, lãnh đạo xã Ea H’đing chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, sau 13 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới đã có 12/15 xã đạt chuẩn.
Quan điểm của huyện trong việc xây dựng nông thôn mới là lấy nhân dân làm chủ thể. Bước đầu thì gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40%. Xuất phát điểm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Người dân sống trông chờ vào nhà nước.
Sau khi thực hiện tuyên truyền, bà con nhận ra vấn đề ý thức được chủ trương của Đảng, Nhà nước thì đã cố gắn rút ngắn khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị. “Chương trình đã giúp nhận thức của người dân được nâng lên, kết hợp nguồn vốn của Nhà nước nên bộ mặt nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Đây là một trong điểm sáng của chương trình nông thôn mới”, ông Văn chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Ea H’đing kể, từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, địa phương tiếp tục huy động sức dân để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, số hộ nghèo đa chiều của xã giảm xuống còn 3,8%; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng cho nên xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được cả xe ô tô, xe cày phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, đồng bào dân tộc ở xã Ea H’đing càng quan tâm đến việc học tập của con em mình và bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.