Xâm nhập mặn đe dọa 32.000ha sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 277 Lượt xem

Hệ thống thủy lợi Đa Độ phục vụ tưới tiêu cho hơn 32.000ha ở Hải Phòng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Hệ thống thủy lợi Đa Độ khu vực huyện An Lão (Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi Đa Độ khu vực huyện An Lão (Hải Phòng). Ảnh: Đinh Mười.

Xâm nhập mặn diễn biến phức tạp

Hệ thống thủy lợi Đa Độ mang đặc điểm của thủy lợi vùng triều ven biển, quá trình vận hành hệ thống phụ thuộc vào chế độ thủy triều, lượng mưa lưu vực, nồng độ mặn nguồn nước đầu vào tại sông Văn Úc, Lạch Tray và dòng chảy đến từ thượng nguồn.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ), trước đây tại sông Văn Úc, độ mặn luôn dao động quanh trị số 26‰ trong khoảng cách từ 0 - 20km tính từ cửa sông. Tại sông Lạch Tray khu vực Kiến An, độ mặn trung bình là 0,58‰. Còn tại khu vực Trung Trang, độ mặn trung bình đạt 0,11‰, trị số này tương đối thích hợp để lấy nước vào hệ thống phục vụ sản xuất.

Trong 5 năm trở lại đây, mặn đã xâm nhập sâu hơn, thời gian dài hơn và nồng độ mặn cao hơn. Đơn cử như năm 2019 - 2020, trên triền Văn Úc, mặn đã xâm nhập đến cống Trung Trang. Có những thời điểm nồng độ mặn lên đến 5,1‰. Việc lấy nước vào hệ thống của các cống rất khó khăn, có những thời điểm chỉ lấy được 1 - 2h, có những ngày không thể lấy được nước do nước mặn dâng cao bao trùm hệ thống, trong khi trước kia có thể tận dụng lấy 7 - 8h/kỳ con nước.

Với nồng độ mặn như vậy, thời gian xuất hiện mặn kéo dài làm cho nước trong hệ thống không thể thau đảo qua các cống ngang, nguy cơ thẩm thấu mặn vào hệ thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước.

Xâm nhập mặn ngày càng sâu, ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Xâm nhập mặn ngày càng sâu, ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Thực tế việc lấy nước vào hệ thống trong vụ mùa cho sản xuất nông nghiệp hàng năm rất khó khăn. Có thời điểm, cống Trung Trang, cống hút Quang Hưng, Bát Trang không lấy được nước theo kế hoạch mà chỉ tận dụng theo giờ.

Mặn xâm nhập sâu vào hai triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray đang đe dọa nguồn nước phục vụ cho 32.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Mặn xâm nhập sâu vào hai triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray đang đe dọa nguồn nước phục vụ cho 32.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

"Từ thực tế quan trắc bằng số liệu nêu trên, độ mặn có quan hệ tỉ lệ nghịch đối với các yếu tố dòng chảy thượng nguồn và tỷ lệ thuận với các yếu tố ảnh hưởng từ mực nước triều. Trước biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, các yếu tố từ thượng nguồn có nguy cơ suy giảm do lượng mưa suy giảm, ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn, sự phân phối không đều đối với hạ lưu các tuyến sông kết hợp với nhiệt độ trái đất tăng cao, mực nước biển dâng sẽ làm cho xu thế độ mặn ngày càng lấn sâu vào sông và với độ mặn ngày càng tăng cao", ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ cho hay.

Đe dọa nguồn nước phục vụ sản xuất

Hệ thống thủy lợi Đa Độ thuộc hạ lưu của hệ thống sông Hồng - Thái Bình, nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Phòng, được bao bọc bởi hai triền sông Văn Úc và Lạch Tray, đê biển I, II.

Hàng năm, ngoài phục vụ nước thô, hệ thống có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ, phòng chống úng lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, phát triển dân sinh kinh tế phục vụ cho 5 quận, huyện, gồm: huyện An Lão, Kiến Thụy, quận Kiến An, quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn với tổng diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 32.000ha/năm.

Theo Công ty Đa Độ, nguồn nước lấy vào hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ chủ yếu lấy qua cống Trung Trang và một số cống đầu nguồn.

Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, việc lấy nước trong mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng có nguy cơ lấn sâu vào sông Văn Úc và Lạch Tray với chu kỳ dài hơn và nồng độ mặn cao hơn.

Cán bộ Công ty Đa Độ kiểm tra hệ thống quan trắc tự động chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ Công ty Đa Độ kiểm tra hệ thống quan trắc tự động chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ảnh: Đinh Mười.

Khi chất lượng nguồn nước đầu vào cho phép về nồng độ mặn và chất lượng thì phải tận dụng tối đa, tăng cường trữ nước vào hệ thống, phòng chống hạn hán, thiếu hụt nguồn nước đảm bảo phục vụ sản suất.

Vào mùa mưa, việc lấy nước, thay nước làm sạch nguồn nước trong hệ thống, tiêu nước phòng chống lụt bão thực hiện theo đúng quy trình vận hành, cơ bản thuận lợi cho công tác phục vụ sản xuất.

Vào mùa khô, việc lấy nước bị ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn lấn sâu vào 2 triền Văn Úc, Lạch Tray, mực nước thượng nguồn thấp, các cống ngang dưới đê đươc đóng lại để phòng, chống xâm nhập mặn.

Trong việc tiêu nước, vào mùa khô, do ảnh hưởng của thủy triều, nước mặn dâng cao thẩm thấu vào hệ thống, công tác thau chua rửa mặn, làm sạch nguồn nước phải được thực hiện thường xuyên.

Nếu như trước kia, nguồn nước phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp, độ mặn yêu cầu cấp nước <1‰ thì đến nay độ mặn yêu cầu phải nhỏ hơn 0,25‰ mới đảm bảo cung cấp nước cho các ngành công nghiệp, kết hợp với biến đổi khí hậu. Do đó, việc lấy nước vào hệ thống càng khó khăn hơn.

Nguồn nước phục vụ sản xuất yêu cầu ngày càng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Nguồn nước phục vụ sản xuất yêu cầu ngày càng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Trong nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản; giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Các công nghệ cao từng bước được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nước đòi hỏi cao hơn cả về trữ lượng và chất lượng so với thời kỳ trước.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Đa Độ cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lượng mưa ít, dòng chảy thượng nguồn suy giảm, mực nước thấp, trong khi hệ thống phụ thuộc dòng chảy từ thượng nguồn hệ thống sông Thái Bình.

Bên cạnh đó, dòng chảy thượng nguồn suy giảm theo thời gian do sự suy giảm lượng mưa trong lưu vực, mặt khác do mực nước biển dâng giai đoạn thủy triều tăng lên, làm gia tăng dòng chảy ngược. Sự tương tác 2 dòng chảy này dẫn đến thay đổi mô hình dòng chảy, thay đổi mực nước và độ mặn trên hai triền sông Văn Úc, Lạch Tray ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành điều tiết nguồn nước hệ thống.

"Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nước mặn xâm nhập sâu vào hai triền đê sông Văn Úc, Lạch Tray ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi. Có thởi điểm, việc lấy nguồn nước vào hệ thống thực hiện theo quy trình, kế hoạch lấy nước không đảm bảo, chỉ lấy được bằng 30% kế hoạch, không thực hiện được công tác thau chua, rửa mặn, thau đảo làm sạch nguồn nước trong hệ thống, nước mặn thẩm thấu qua hai triền đê Văn Úc, Lạch Tray vào trong hệ thống", ông Kiên chia sẻ

Bình luận