Làm nông không tốn công phun thuốc

Bình luận · 106 Lượt xem

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người sử dụng.

Từ giữa tháng 7 là thời điểm nông dân ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tập trung phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh hại lúa. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Thọ Xuân gieo cấy khoảng 7,45 nghìn ha lúa với các giống lúa thuần như TBR 225, Thiên ưu 8, Khang Dân...

Cũng như nhiều năm trước, tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa trong vụ hè thu được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi nông dân phải chủ động ngay từ khâu phòng bệnh. Khác với nhiều năm trước, trên nhiều cánh đồng của huyện Thọ Xuân năm nay không còn thấy cảnh nông dân vất vả mang bình phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh, thay vào đó là những thiết bị bay không người lái (drone).

Thiết bị bay không người lái đang giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí và sức lao động trong sản xuất. Ảnh: Quốc Toản.

Thiết bị bay không người lái đang giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí và sức lao động trong sản xuất. Ảnh: Quốc Toản.

Để xử lý sâu bệnh hiệu quả trên cây lúa, ngay từ đầu vụ, bà Lê Thị Thanh (thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) đã bàn bạc với nhiều hộ dân có diện tích gieo cấy trên cùng xứ đồng chung tiền thuê thiết bị bay của Công ty TNHH Drone sông Hồng để phun thuốc bảo vệ thực vật. Tại chân ruộng, cán bộ kỹ thuật của Công ty sẽ đảm nhận các công đoạn từ pha chế, điều khiển phun thuốc cho lúa. Cánh đồng Đa Đôi ở xã Xuân Sinh với diện tích vài ha nhưng chỉ cần 30 phút, thiết bị bay không người lái đã hoàn tất các công đoạn phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ theo yêu cầu của nông dân. 

“Phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái vừa nhanh vừa tiện lại tiết kiệm chi phí. Nếu phun thuốc thủ công thì tiền công thuê mất khoảng 80.000 đồng/sào, còn khi thuê thiết bị bay chỉ mất khoảng 20.000 - 25.000 đồng/sào. Quan trọng nhất là người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nên không ảnh hưởng sức khỏe. Mặt khác, cây lúa không bị ảnh hưởng vì người không có người đi lại trên ruộng. Ngoài ra, dùng thiết bị bay thuốc được phun đều khắp mặt ruộng, thời gian phun rất nhanh, chi phí sản xuất giảm nhiều lần so với làm thủ công”, bà Lê Thị Thanh cho biết.

Anh Lê Văn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Drone sông Hồng (thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) giới thiệu sản phẩm của Công ty. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Lê Văn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Drone sông Hồng (thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) giới thiệu sản phẩm của Công ty. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Lê Văn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Drone sông Hồng (thôn 1, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) chia sẻ: “Để sử dụng hiệu quả thiết bị bay, cán bộ kỹ thuật chỉ cần cài đặt lượng thuốc, bản đồ khu vực cần phun, máy sẽ tự tìm đến phun rồi tự quay về khu vực xuất phát sau khi hoàn thành phun thuốc. 

Thiết bị bay không người lái có trọng lượng không tải trung khoảng 25 - 40kg; độ rộng vòi phun khoảng 10m, tốc độ bay khoảng 40km/giờ; công suất làm việc trung bình từ 3 - 5ha/giờ. Việc sử dụng công nghệ này sẽ giúp dung dịch thuốc phát tán đều, thấm toàn bộ vào thân, lá nên hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phun thủ công".

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có thiết bị bay không người lái góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân và đang trở thành xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

“Hiện nay, toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 90%; khâu gieo cấy, chăm sóc đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, việc đưa thiết bị bay vào đồng ruộng phục vụ bà con hiện nay chưa thật sự phổ biến do nhu cầu còn ít; tập quán canh tác của nhiều người dân chưa thay đổi; các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung chưa nhiều nên việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật này trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Trong tương lai gần, việc sử dụng các thiết bị bay không người lái sẽ là xu thế góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giúp các địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Hiện nay, Công ty TNHH Drone sông Hồng đã tổ chức các đội bay, liên kết với các tổ đội sản xuất, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh, đồng thời mở rộng địa ra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng để phục vụ bà con với diện tích hơn 1.000ha.

Bình luận