Xã Ngọc Lương (Yên Thuỷ) là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng chuyển đổi số cho quá trình trồng và thu hoạch bưởi Đại Đồng. Việc trồng chăm sóc diện tích trồng bưởi diễn xuất khẩu đã được các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng kiểm tra và ghi chép nhật ký đầy đủ. Ghi chép lưu giữ thông tin, quản trị dữ liệu quá trình hoạt động sản xuất sản phẩm bưởi diễn của hợp tác xã đã góp phần minh bạch quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Đại Đồng, ông Vũ Xuân Oanh cho biết, từ năm 2021, khi được cấp mã số vùng trồng để định hướng xuất khẩu sản phẩm bưởi diễn, việc canh tác bưởi được nông dân đặc biệt chú trọng. Vùng trồng thường xuyên được giám sát quá trình canh tác, nhật ký đồng ruộng. Chính vì thế trước khi xuất khẩu ngoài mẫu phân tích đạt các chỉ tiêu chất lượng của thị trường các nước thì dữ liệu ghi chép quá trình canh tác của sản phẩm ẩm bưởi diễn Yên Thuỷ cũng cho thấy các yêu cầu kỹ thuật chăm sóc đã được đáp ứng. Bưởi diễn Yên Thuỷ đã xuất khẩu sang các thị trường Anh, Mỹ, EU…
Thương hiệu măng Kim Bôi của Công ty cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy, Hòa Bình) đã chinh phục thành công các thị trường trong nước và nước ngoài qua các sản phẩm: Măng đắng xứ Mường đóng gói, măng trúc quân tử, măng khô nấu ngay, măng lưỡi lợn, măng búp tươi, măng chua thái sẵn, măng củ thái sẵn, măng giang đặc sản, măng nứa khô nấu ngay… Các sản phẩm của được sơ chế, đóng gói trên dây chuyền khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Nhãn hiệu Kim Bôi Export - production co được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời 80% sản phẩm măng tươi và miến của công ty đã và đang được phân phối qua các sàn thương mại điện tử, siêu thị và các kênh phân phối tư nhân; trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi và phở khô Kim Bôi, đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hòa Bình đồng thời xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh, Đông Âu…, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, công ty đã góp phần hình thành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Bôi cho biết, việc chuyển đổi số giúp cho các sản phẩm của công ty được biết đến nhiều hơn thông qua các sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, giảm được chi phí và công lao động, tăng năng suất lao động nhờ đó tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng sản phẩm măng của công ty và yên tâm sử dụng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hòa Bình được coi như chiếc chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, hướng đến phát triển kinh tế số. Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã đồng hành và khuyến khích các đơn vị, hợp tác xã, các hộ sản xuất, nông dân các địa phương tăng cường sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tận dụng nền tảng số - các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường.
Chị Bùi Thị Hiên thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Trị chia sẻ, việc áp dụng chuyển đổi số đã giúp cho các sản phẩm cao thảo dược của hợp tác xã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, số lượng sản phẩm bán ra tăng, thu nhập về kinh tế của các thành viên trong hợp tác xã cao hơn, ổn định cuộc sống giúp các thành viên yên tâm sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết đang vận hành 31 trạm đo mưa tự động tại các huyện, thành phố; hệ thống camera giám sát khu vực cửa nước ra lắp đặt tại khu vực hạ lưu đập thuỷ điện Hòa Bình để theo dõi diễn biến nước hồ khi xả lũ. Đồng thời triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về sâu bệnh hại trên cây trồng; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình. Sở cũng số hóa 100% cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phần mềm dự báo cấp cháy rừng; ứng dụng phần mềm Mapinfor, Qgis trong theo dõi diến biến tài nguyên rừng, xử lý bản đồ chuyên ngành…
Theo ông Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hòa Bình, việc áp dụng chuyển đổi số đã giúp cho ngành nông nghiệp Hòa Bình có bước chuyển biến mạnh mẽ, người nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số với ngành nông nghiệp đến người nông dân tỉnh Hòa Bình.
Toàn tỉnh Hòa Bình có 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích gần 390 ha và 5 mã số cơ sở đóng gói, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart.vn nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ 77 doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ: https://hb.check.net.vn; giới thiệu, kết nối cho 50 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản…
Tìm kiếm
Bài viết phổ biến