Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang và Viện Lúa ĐBSCL. Có tất cả 22 giống lúa mùa lấy từ ngân hàng gen của Viện Lúa ĐBSCL đã được thu thập tại Kiên Giang được sử dụng để đánh giá khả năng chống chịu mặn và so sánh với 2 giống đối chứng là IR29 (chuẩn mẫn cảm với mặn) và Pokkali (chuẩn chống chịu mặn).
Mô hình khảo nghiệm đã được các nhà khoa học thực hiện tại 4 huyện vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Qua đánh giá tính chống chịu mặn của 22 giống lúa mùa Kiên Giang, đã xác định được 5 giống lúa chống chịu mặn khá là Nàng Sau, Lúa Chuối, Nếp 10-2, Nếp 10-3 và OM1352.
Về kết quả nghiên cứu, tuyển chọn và phục tráng các giống lúa mùa đặc sản, đã tuyển chọn được 3 giống phù hợp cho điều kiện canh tác tại các huyện vùng U Minh Thượng là Ba bụi, Một bụi và Tiêu Chệt. Mô hình trình diễn các giống lúa đã được phục tráng đều cho năng suất cao từ 3,5 - 4,5 tấn/ha, có phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi tuyển chọn, các giống lúa đã được phục tráng, làm thuần và sản xuất ra giống lúa siêu nguyên chủng để nhân giống phục vụ sản xuất. Các giống lúa sau khi phục tráng có thể sử dụng trong tất cả các vùng hiện đang sản xuất lúa mùa 1 vụ, đặc biệt phù hợp cho mô hình lúa - tôm tại các huyện vùng U Minh Thượng. Do đó, đơn vị nghiện cứu đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang có kế hoạch nhân rộng các giống lúa đã được phục tráng và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung vào cơ cấu giống cho vùng U Minh Thượng.