Chiếc máy mỗi giờ trồng được 5ha sắn

Bình luận · 32 Lượt xem

TÂY NINH Chỉ trong chưa đến 1 giờ, máy trồng sắn '4 trong 1' do anh Lê Thành Phương sáng chế đã làm phần việc bằng hơn 20 lao động, tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Sắn (khoai mì) là cây trồng chủ lực của Tây Ninh với diện tích toàn tỉnh đạt khoảng 60.000ha. Từ thực tiễn sản xuất, người trồng sắn Tây Ninh đã không ngừng mày mò nghiên cứu những trang thiết bị, máy móc có tính ứng dụng cao. Máy trồng sắn “4 trong 1” do anh Lê Thành Phương ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên sáng chế là một trong những máy tiên tiến nhất hiện nay phục vụ canh tác sắn.

Anh Lê Thành Phương bên chiếc máy trồng sắn '4 trong 1' của mình. Ảnh: Lê Bình.

Anh Lê Thành Phương bên chiếc máy trồng sắn "4 trong 1" của mình. Ảnh: Lê Bình.

Đến thăm cơ sở chuyên sản xuất máy trồng sắn của anh Phương, chúng tôi ngạc nhiên bởi cơ sở khang trang với nhiều loại máy khác nhau đang được chế tạo. Dù chưa học hết cấp 2, nhưng từ lâu anh Phương đã thuần thục điều khiển máy cắt kim loại laser để tạo hình với chi tiết phức tạp cho dàn máy trồng sắn đa năng. Cạnh đó, hàng chục công nhân tất bật thực hiện các công đoạn hàn, phay, tiện và lắp ráp các bộ phận lại với nhau. Chỉ trong buổi sáng, cơ sở của anh Phương đã hoàn thiện 3 bộ máy để giao cho khách hàng.

Nói về ý tưởng sáng chế chiếc máy trồng sắn này, anh Phương cho hay, trước đây anh sở hữu hơn 10ha đất trồng sắn, hơn ai hết anh thấu hiểu những khó khăn của người trồng, nhất là thiếu nhân công. Điểm độc đáo của dàn máy là có thể cùng lúc thực hiện 4 thao tác: Lên rò, phun thuốc diệt mầm, bón phân và trồng khép kín (cắt hom, đặt hom xuống đất). Toàn bộ quy trình trồng chỉ cần 2 nhân công vận hành, trong 1 giờ có thể trồng hơn 5ha sắn.

Chỉ với 2 người điều khiển máy trồng sắn, trong 1 giờ có thể trồng hơn 5ha sắn. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ với 2 người điều khiển máy trồng sắn, trong 1 giờ có thể trồng hơn 5ha sắn. Ảnh: Trần Trung.

Đứng cạnh chiếc máy vừa ra lò, anh Phương phân tích thêm, trong lúc dàn chảo lên luống thì dàn bón phân tiến hành bón phân thẳng vào gốc rồi tự lấp đất để tránh bị rửa trôi khi gặp trời mưa.

Về hom sắn, nhân công sẽ cho cây sắn vào máy chặt (đoạn hom dài khoảng 10cm) và máy sẽ cắm hom xuyên xuống đất khoảng 8cm, chếch 30 độ, kết hợp phun thuốc diệt mầm cỏ dại.

“Trồng đến đâu, hom sắn được chặt đến đó nên hom không bị mất nhựa, không bị dập. Hom sắn được trồng kiểu đứng nên tỷ lệ sống rất cao, nảy mầm nhanh sau 3 - 4 ngày thay vì 10 - 15 ngày như trước đây”, anh Phương chia sẻ.

Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Phương cung cấp hơn 100 dàn máy trồng sắn đa năng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Để có được bộ máy này, anh cũng trải không ít lần thất bại. Lúc hoàn thành theo ý tưởng thì chiếc máy lại gặp hàng loạt trục trặc như khi cắt hom dính luôn trong máy, hom cắm xuống đất không được thẳng hàng nên không thể làm cỏ, bón phân. Hay tình trạng hom bị cắm quá sâu nên khi cây sắn phát triển củ bị chìm sâu vào đất không phát triển, khoảng cách giữa các hom quá xa khiến mật độ thưa, năng suất thấp...

Hom sắn sau khi được máy trồng đáp ứng đủ tiêu chuẩn kĩ thuật. Ảnh: Trần Trung.

Hom sắn sau khi được máy trồng đáp ứng đủ tiêu chuẩn kĩ thuật. Ảnh: Trần Trung.

“Ban đầu, tôi cho cắt hom dài 25cm, cây sắn lên mạnh nhưng tốn giống. Sau khi cải tiến dàn máy và điều chỉnh được số chiều dài hom xuống 8cm/hom để tiết kiệm thì cây lên yếu. Sau nhiều lần thử nghiệm ở nhiều mức khác nhau, cuối cùng tôi đã chọn được độ dài hom sắn tối ưu là 10cm. Sắn thường trồng theo quy chuẩn 12.000 hom/ha, nhưng nhờ cải tiến này nên chỉ cần 10.000 hom/ha, điều này vô cùng ý nghĩa khi những giống sắn kháng khảm lá lần lượt ra đời, giá hom giống khá đắt đỏ, vì vậy phương pháp trồng sắn mới bằng máy không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn giúp bà còn đẩy nhanh tốc độ nhân giống nên bà con rất phấn khởi”, anh Phương chia sẻ.

So với các tỉnh thành khác, đất canh tác ở Tây Ninh bằng phẳng, liền khoảnh, không bị sông rạch chia cắt nên máy cơ giới dễ hoạt động. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lại đa dạng và phát triển mạnh ở nhóm cây công nghiệp cho tới cây ngắn ngày. Hơn nữa, Tây Ninh có lợi thế lớn để nghề cơ khí nông nghiệp phát triển.

Công xưởng của anh Phương có thể sản xuất số lượng lớn máy trồng sắn trong thời gian ngắn. Ảnh: Lê Bình.

Công xưởng của anh Phương có thể sản xuất số lượng lớn máy trồng sắn trong thời gian ngắn. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, khá nhiều nông dân trong tỉnh hiện vẫn canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, không thể thúc đẩy cơ giới hóa để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Cũng vì diện tích nhỏ lẻ, nhu cầu của nông dân lại đa dạng theo từng thói quen canh tác khác nhau nên máy móc khó sản xuất đại trà. Cả doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty lớn đều gặp khó khăn vì nhu cầu và diện tích không đồng bộ.

“Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Nhà nước cần định hướng giải quyết tốt chính sách hạn điền, giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận cánh đồng lớn. Chỉ khi tạo được những cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa thì nông dân mới khá được", anh Phương đề xuất.

Bình luận