Trồng rừng gỗ lớn phải nghĩ về lâu dài

Bình luận · 84 Lượt xem

Trên cơ sở Kế hoạch ‘Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030’, các bên cần chung tay phát triển từ khâu giống đến hạ tầng lâm nghiệp.

Rừng gỗ lớn cho lợi nhuận kinh tế gấp 1,5 - 2 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Rừng gỗ lớn cho lợi nhuận kinh tế gấp 1,5 - 2 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Tiềm năng rừng gỗ lớn

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên cơ sở áp dụng phương pháp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng nghèo khoảng 30 - 140 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 175 - 320 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 480 - 1.000 tấn/ha. Ngoài ra, rừng nguyên sinh có khả năng lưu giữ C02 nhiều hơn khoảng 60% so với rừng trồng.

Để thu hẹp khoảng cách này, những nhà khoa học khuyến cáo người dân tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa từng chỉ ra, rằng nếu rừng trồng 5 - 6 tuổi chỉ hấp thụ được khoảng 100 tấn CO2/ha thì rừng từ 12 - 13 năm tuổi có thể hấp thụ 300 tấn CO2/ha.

Keo - một trong những loài cây lấy gỗ được trồng nhiều tại Việt Nam nhờ sinh trưởng nhanh, thường đạt khoảng 90m3 gỗ tròn sau 6 năm. Nếu người dân không khai thác gỗ non mà để lại chăm sóc thêm 5 - 6 năm nữa, trở thành rừng gỗ lớn mới khai thác, khi đó trữ lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, giá bán cũng cao gấp 2 - 3 lần.

Cùng với đó, người trồng rừng gỗ nhỏ phải 2 lần đầu tư, với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, thì rừng gỗ lớn chỉ cần đầu tư 1 lần, với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 - 3 lần rừng gỗ nhỏ.

Trong năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được hơn 10 triệu tấn CO2, thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ các bon thế giới. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT nhận định: "Phát triển thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam lúc này là phù hợp. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới, đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu".

Hiện nay, lâm nghiệp là lĩnh vực đang phát thải âm và được đánh giá là có nhiều tiềm năng để thực hiện trao đổi, chuyển nhượng hay thương mại hóa tín chỉ các bon rừng. 

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhận định, khi giao dịch trên thị trường tín chỉ các bon, các chủ rừng sẽ có thêm động lực để tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao nhận thức về giá trị của rừng và ngày càng có trách nhiệm hơn, cũng như hình thành tư duy sản xuất, quản trị rừng chuyên nghiệp hơn, từ bỏ dần thói quen xâm hại rừng.

Lợi ích của rừng gỗ lớn là điều gần như không bàn cãi, nhưng dư địa hiện không nhiều như nhiều người nghĩ. Việt Nam hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, do đó rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Như vậy, tổng diện tích rừng có thể khai thác, sản xuất chỉ vào khoảng 4 triệu ha trên cả nước.

Tại dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh ước tính, nếu chủ rừng khai thác gỗ nhỏ ở năm thứ 6 bằng cách bán làm dăm gỗ hoặc gỗ trụ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.

Nhưng nếu đợi 10 - 14 năm để khai thác gỗ lớn, sản lượng sẽ đạt từ 200 - 240 m3/ha và hầu hết  cây gỗ đạt đường kính trên 18cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120 m3/ha. Khi đó, gỗ sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ thương phẩm với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 22 - 25 triệu/ha/năm; cao từ 1,5 - 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây 2024. 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây 2024. 

Thúc đẩy các bên cùng vào cuộc

Ngay đầu năm 2024, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000ha.

Cùng với đó, Bộ đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Kế hoạch cũng vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000ha rừng mới. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000 - 146.000ha; vùng đồng bằng sông Hồng 6.000 - 9.000ha; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 280.000 - 348.000ha; vùng Tây Nguyên 25.000 - 35.000ha; vùng Đông Nam bộ 7.500 - 10.000ha; vùng Tây Nam bộ 1.500 - 2.000ha.

Các giống cây được chọn yêu cầu phải có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom.

Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, khâu chọn lựa giống cho rừng trồng hết sức quan trọng, bởi  nhiều nghiên cứu của Viện đã chỉ ra thực tế - năng suất rừng trồng  đang có sự suy thoái. 

"Tỷ lệ giống cây rừng được bà con sử dụng có nguồn gốc xuất xứ hiện chưa cao. Chưa kể, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn thấp. Đa số sử dụng giống cây rừng trôi nổi, chất lượng giống chưa được kiểm soát, nên có xu hướng suy thoái năng suất. Giống mới chúng ta có tương đối nhiều, nhưng thực tế là chưa chuyển giao được một cách tương xứng, vì bà con quen sử dụng giống lâu năm như keo lai nên không chịu thay đổi", ông Đồng nói. 

Sau một thời gian nghiên cứu và sưu tầm công phu, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã tập hợp các giống cây rừng năng suất vào tài liệu dạng sổ tay để phổ biến cho người dân ở từng địa phương. Trong tài lệu này, các giống cây trồng được chú thích rõ: thích hợp trồng ở vùng nào, năng suất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để người trồng rừng có chọn lựa phù hợp.

Ngoài 2 loài phổ biến là keo và bạch đàn, ông Đồng lưu ý người dân có thểm trồng thêm các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả, và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến… Một số loài vừa cho gỗ vừa cho hạt có giá trị cao gồm dẻ Trùng Khánh, mắc ca, sơn tra, trám đen, trám trắng, dổi ăn hạt, cây óc chó...

Để việc trồng rừng gỗ lớn bền vững, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khuyến cáo doanh nghiệp, người dân quan tâm hơn nữa tới hạ tầng lâm nghiệp. Một số khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng hiện chưa phát triển vì khai thác gỗ từ núi cao thì bị đội chi phí vận chuyển. Trước mắt, ông Trần Quang Bảo cho rằng, việc trồng rừng gỗ lớn cần gắn liền với địa điểm đặt nhà máy, sao cho thuận tiện di chuyển.

Mỗi tín chỉ các bon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc các loại khí nhà kính khác (CH4, N2O...) quy đổi ra 1 tấn CO2.

Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm hơn 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, bởi nguồn thu từ thị trường này trên toàn cầu lên tới hàng chục tỷ USD.

Bình luận