Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, hiện nay toàn tỉnh có 1 Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh và 137 Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở. Các ban này thực hiện tổ chức quản lý, khai thác 2.884 công trình thủy lợi trên phạm vi toàn tỉnh.
Để đảm bảo khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, toàn tỉnh có 581 người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Trong đó tại Ban Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Tuyên Quang có 35 người, gồm 6 thạc sỹ, 26 người có trình độ đại học, 2 người có trình độ cao đẳng và 1 lái xe (trong số này có 24 người được đào tạo chuyên ngành thủy lợi).
Tại các Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở có 546 người hoạt động chuyên trách. Gồm 190 người có trình độ đại học (31 người được đào tạo chuyên ngành thủy lợi); 41 người trình độ cao đẳng (2 người được đào tạo chuyên ngành thủy lợi); 158 người trình độ trung cấp (13 người được đào tạo chuyên ngành thủy lợi) và 157 người chưa qua đào tạo chuyên ngành, nhưng hầu hết đã tốt nghiệp trung học phổ thông và được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (nghiệp vụ quản lý đập, hồ chứa và nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng).
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, kết quả rà soát cho thấy số cán bộ, nhân viên quản lý có trình độ chuyên ngành thủy lợi hoạt động chuyên trách trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 4,39%, còn lại 95,61% cán bộ, nhân viên quản lý chưa có chuyên ngành phù hợp và chưa qua đào tạo chuyên ngành.
Những năm qua, mặc dù hàng năm Sở NN-PTNT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, vận hành công trình nhưng do số lượng người quản lý nhiều, nguồn kinh phí dành cho công tác tập huấn của tỉnh còn hạn chế nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý đối với các công trình thủy lợi theo quy định hiện hành của nhà nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ban quản lý khai thác công trình thủy lợi ở Tuyên Quang khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc đó là chế độ tiền lương thấp, không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang thì hiện nay, thu nhập bình quân hằng tháng của Trưởng Ban Quản lý công trình thủy lợi cấp xã đạt từ 2 đến 4 triệu đồng; lương của cán bộ kỹ thuật hay kế toán chỉ đạt từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt với thu nhập của thủy nông viên rất thấp, có nơi chỉ đạt vài trăm nghìn đồng/người/tháng.
Cụ thể, Trưởng Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đạt 3 triệu đồng/tháng; Trưởng Ban xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương đạt 2,9 triệu đồng/tháng; Trưởng ban xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa đạt 4,7 triệu đồng/tháng; Trưởng ban xã Tân Long, huyện Yên Sơn đạt 2,2 triệu đồng/tháng…
Một số Ban Quản lý công trình thủy lợi có diện tích phục vụ nhỏ, cơ cấu tổ chức cồng kềnh hoặc do ban gắn với Hợp tác xã nên đã chi tiền công cho nhiều thành viên cũng dẫn đến tiền công hàng tháng chỉ vài trăm ngàn đồng/người như Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên; Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn...
Có thể thấy, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến các Ban Quản lý công trình thủy lợi ở cơ sở của tỉnh Tuyên Quang khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trình độ, năng lực của cán bộ các Ban Quản lý công trình thủy lợi ở cơ sở hạn chế, chưa qua đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ… là những rào cản cho công tác quản lý vận hành và phát triển hiệu quả các công trình thủy lợi. Đây cũng là bài toán đặt ra cho ngành thủy lợi Tuyên Quang cần tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo.