KfW hỗ trợ triển khai dự án bảo vệ rừng và đa dạng sinh học

Bình luận · 100 Lượt xem

Cùng với Bộ NN-PTNT, KfW đã triển khai khoảng 15 dự án tại Việt Nam với tổng số tiền cam kết khoảng 200 triệu euro.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với ông Frank Bohnet, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với ông Frank Bohnet, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Ảnh: Linh Linh.

Sáng 24/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị tiếp và làm việc với ông Frank Bohnet, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) khu vực Đông Á và Đông Nam Á về việc thúc đẩy các dự án hợp tác, trong đó có dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” và dự án “Giảm buôn bán, săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật”.  

Ông Frank Bohnet, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) khu vực Đông Á và Đông Nam Á đánh giá cao hợp tác lâu dài giữa hai bên trong hơn 20 năm qua trong nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, bảo vệ bờ biển, đa dạng sinh học.

Cùng với Bộ NN-PTNT, KfW đã triển khai khoảng 15 dự án tại Việt Nam với tổng số tiền cam kết khoảng 200 triệu euro, đây là minh chứng cụ thể rằng sự hợp tác giữa hai bên không chỉ dừng ở đối thoại mà còn là những dự án cụ thể thành công đóng góp vào bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng tại Việt Nam.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao các chương trình hợp tác với Ngân hàng Phát triển Đức trong thời gian qua. Kết quả của các chương trình hợp tác đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, tăng độ che phủ rừng và bảo tồn thiên nhiên tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ hướng tới chủ trương bảo vệ rừng, hệ sinh thái rừng và tài nguyên rừng một cách tốt nhất và nguyên vẹn nhất. Thông qua quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, hỗ trợ cộng đồng sống trong rừng, cạnh rừng, đảm bảo đời sống và thu hút người dân quan khu vực rừng cùng tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao các chương trình hợp tác với Ngân hàng Phát triển Đức trong thời gian qua. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao các chương trình hợp tác với Ngân hàng Phát triển Đức trong thời gian qua. Ảnh: Linh Linh.

Những mục tiêu này đều được thể hiện rõ trong các chủ trương, quy định, chiến lược đã và sẽ được thông qua. Để hoàn thành các mục tiêu này, Thứ trưởng Trị cho rằng không chỉ cần sự vào cuộc của các chủ thể trong nước mà còn cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có nguồn lực từ phía KfW để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bên cạnh những trao đổi về các vấn đề liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cuộc họp cũng nêu ra một số đề xuất về việc triển khai các dự án KfW. Ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban quản lý trung ương các dự án Thủy Lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đối với dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau”, khối lượng công việc còn rất lớn, cần phải tập trung cao độ và nhận được hỗ trợ tối đa của các cơ quan liên quan để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đã được phê duyệt là 31/12/2025.

Các khó khăn vướng mắc đối với nhiệm vụ Tư vấn GOPA trong thực hiện công tác lập  nghiên cứu khả thi phải thực hiện theo hợp đồng đã ký kết đến nay cơ bản đã được đàm phán, thống nhất. Ban CPO đang đệ trình lên KfW để xin ý kiến không phản đối và dự kiến huy động Tư vấn GOPA từ đầu tháng 8/2024.

Với dự án “Giảm buôn bán, săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật”, bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, dự án chưa thành lập được Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án Trung ương, địa phương; chưa ký được thỏa thuận viện trợ, thỏa thuận riêng, chưa khởi động dự án, chưa xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch năm của dự án nên chưa triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, dự án còn đang gặp khó khăn về vấn đề mua sắm, đấu thầu cần thảo luận thêm với phía KfW để triển khai tiếp.

Dự án “Bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng (KfW11) đã hoàn thiện các thủ tục phê duyệt và thỏa thuận vay, thỏa thuận viện trợ đã được Bộ Tài chính ký với KfW. Tuy nhiên, dự án vẫn còn đang gặp phải một số khó khăn về điều chỉnh, sửa đổi dự thảo nội dung Thỏa thuận riêng, tuyển Tư vấn quốc tế hỗ trợ dự án, ...

Ban CPO Lâm nghiệp kiến nghị, tiếp tục đàm phán theo hướng KfW trực tiếp tuyển chọn tư vấn quốc tế để rút ngắn thời gian và đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế trao đổi với KfW cho phép thực hiện ngay các hoạt động sử dụng vốn ODA sau khi thỏa thuận riêng được ký kết giữa hai bên.

Phía KfW khẳng định Bộ NN-PTNT luôn là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Phía KfW khẳng định Bộ NN-PTNT luôn là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Với những khó khăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới trong triển khai các dự án, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phía Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị triển khai các dự án một các hiệu quả, đúng với nội dung đã ký kết với KfW.

Thứ trưởng đề nghị, KfW chung tay, hỗ trợ giải quyết các rào cản và triển khai 3 dự án trên. Thứ trưởng cũng đề nghị phía KfW tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án có thể hợp tác triển khai trong tương lai.

Chia sẻ với ý kiến từ phía Bộ NN-PTNT, ông Frank Bohnet cho biết, với các dự án quan trọng này, phía KfW đang cố gắng hỗ trợ các bên trong giải quyết các khó khăn để thúc đẩy các dự án được triển khai và hoàn thành đúng tién độ dự định.

Phía KfW khẳng định Bộ NN-PTNT luôn là một trong những đối tác quan trọng nhất tại Việt Nam. Ông Bohnet cho biết đơn vị đã tham vấn với Chính phủ Đức rằng bảo vệ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học phải là nội dung quan trọng trong hợp tác Đức – Việt Nam. Trong các dự án hợp tác tương lai với Bộ NN-PTNT, phía KfW sẽ tập trung bố trí vốn viện trợ không hoàn lại thay vì vốn vay.

Bình luận