Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức, thời cơ và vận hội mới - Bài 3: Ðầu tư cho thuận thiên là cấp thiết

Bình luận · 46 Lượt xem

Dù có nhiều đổi thay trong chiến lược phát triển, nhưng sản xuất nông nghiệp, ở đây là cây lúa nước, vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế chính mang tính đặc thù, lợi thế cạnh tranh phát triển của vùng đồng bằng sông C??

Thuận thiên không chỉ dựa hoàn toàn vào tự nhiên mà phải cải tạo tự nhiên để thích ứng, phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên là hướng đến cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực; các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững, vấn đề quan trọng, cấp thiết hơn trong lúc này là đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ ứng phó, thích ứng để sản xuất chủ động, hiệu quả.

Cùng dắt tay nhau phát triển

Với khả năng về tài chính còn hạn chế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn ÐBSCL nhận được sự hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các chương trình trọng điểm như: “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030; “Ðề án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ÐBSCL”... tạo cơ chế, chính sách để ÐBSCL phát triển bền vững, thích ứng BÐKH, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hoá các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.

 

Ðầu tư cho thuận thiên là nhằm ứng phó, thích ứng trước tác động ngày càng nghiêm trọng của BÐKH, phục vụ cho nền nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững. (Trong ảnh: Siêu công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy hiệu quả).

 

Ðồng thời, tăng cường tư vấn kỹ thuật, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp triển khai các chương trình, đề án này một cách hiệu quả. Cùng với đó, cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ÐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công; kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ, nhóm nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ, nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ÐBSCL.

Những tín hiệu vui

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại; hài hoà thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

 

Đồ hoạ Lê Tuấn.

 

Về nội dung thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa với mục tiêu chủ yếu là nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam và tổ chức lại sản xuất theo hướng HTX liên kết với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết, đã hoàn tất quy trình canh tác bền vững và triển khai đến các tỉnh, thành trong khu vực.

“Hiện đề án đã có dự án từ Ngân hàng Thế giới, đồng ý cho vay 380 triệu USD cho 12 tỉnh ÐBSCL. Tiến độ đang tiến triển rất nhanh, tháng 5/2025 phải trình với phía đối tác”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nam thông tin, đồng thời mong muốn Bộ NN&PTNT được giao làm chủ dự án, nhằm tập trung và điều phối thuận lợi.

Ðiều đáng mừng là, đã qua các đối tác quốc tế như: EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV..., các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ÐBSCL được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ, nhân rộng.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF - Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam), chia sẻ: “ÐBSCL có thể tránh được nguy cơ bị thu hẹp và chìm dần vào cuối thế kỷ này nếu chu trình sinh thái của đồng bằng và sự kết nối từ sông tới các vùng đồng bằng ngập lũ được duy trì. Mùa lũ là quy trình tự nhiên, quan trọng để xây dựng và bồi đắp đồng bằng thông qua việc lắng đọng trầm tích. Phục hồi mùa lũ là việc quan trọng với tương lai của đồng bằng. Nước lũ mang trầm tích và bồi đắp cho đồng bằng, làm tăng độ phì nhiêu, độ cao của đất, tăng khả năng chống chịu trước BÐKH, mực nước biển dâng, cũng như hỗ trợ tái sinh rừng ngập mặn. Theo Tiến sĩ Thịnh, WWF (Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ÐBSCL và đã mang lại hiệu quả, như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh... cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

“WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác về mô hình này, để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khoẻ con người và thiên nhiên”, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh cam kết.

 

Những năm qua, Cà Mau luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn cho đầu tư hệ thống giao thông gắn với thuỷ lợi nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trước tác động của BĐKH. (Trong ảnh: Giao thông thuỷ, bộ, đê biển và đồng lúa tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời).

 

Sản xuất theo chuỗi, doanh nghiệp đồng hành, minh chứng rõ hơn là Tập đoàn Lộc Trời khi tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sản xuất bền vững, liên kết sản xuất với gần 300.000 ha. Quy trình canh tác “Mặt ruộng không dấu chân” được cơ giới hoá đồng bộ kết hợp drone phun thuốc của Lộc Trời giúp lượng lúa giống sạ giảm từ 300 kg/ha xuống chỉ còn 80-100 kg/ha, tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng và giảm 20-30% lượng phân bón. Những nỗ lực trên hướng đến mục tiêu giảm thiểu 1 triệu lít hoá chất xuống đồng ruộng, từ đó bảo vệ nguồn nước ngọt vốn đang ngày càng thu hẹp.

Tập đoàn Lộc Trời đặt mục tiêu tổ chức liên kết sản xuất 250.000 ha lúa chất lượng cao trong giai đoạn 2024-2025 và tham vọng đạt 1 triệu héc-ta sản xuất lúa chất lượng cao vào năm 2030. Ðây là tín hiệu đáng mừng khi sản xuất bền vững chứng minh được đóng góp trong ứng phó BÐKH, cũng như tiết giảm được chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng vùng trồng, nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra. Từ đó, sản xuất bền vững đã góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, nâng cao đời sống nông dân trồng lúa và bộ mặt nông thôn.


“Quy hoạch vùng đã định hướng từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa là chính sang mô hình thuỷ sản - trái cây - lúa gạo nhằm tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất thì việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi để đáp ứng yêu cầu đề ra là cần thiết và cấp bách. Trong đó, để triển khai quy hoạch vùng, đã tập trung thực hiện một số dự án quan trọng, cấp thiết, như các dự án thuộc Dự án hỗ trợ kỹ thuật và lập kế hoạch quản lý bờ sông và xói lở bờ biển trong khu vực; các dự án thuộc Dự án cải tạo hệ thống kênh trục chính liên vùng, liên tỉnh khu vực giữa Sông Tiền và Sông Hậu; đang chuẩn bị đầu tư một số dự án thuỷ lợi quan trọng khác”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Duy Ðông cho biết.


 

Trần Nguyên

Bình luận