Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các nhà đầu tư để du lịch địa phương có những bước phát triển ổn định và bền vững. Trong đó nổi bật một số tour, tuyến, loại hình và điểm du lịch đã được hình thành, đầu tư và phát triển như: tuyến du lịch Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban; làng dân tộc và dệt thổ cẩm thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn); du lịch tham quan trải nghiệm chế biến cà phê, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng…; lượng khách du lịch hàng năm tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%, doanh thu ngành Du lịch chiếm 2,1% giá trị ngành dịch vụ.
Hiện, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 31 cơ sở lưu trú du lịch với 360 phòng; 1 Khu du lịch Thác Voi và 2 điểm du lịch canh nông; 1 công ty lữ hành... Đến nay, Lâm Hà đang phát triển với các loại hình du lịch gồm: tham quan, nông nghiệp và cộng đồng.
Tại Làng sinh thái Lavela đang đầu tư kinh doanh cà phê, kết hợp với lưu trú và phục vụ tiệc ăn uống ngoài trời. “Hiện tại, tôi đang đầu tư xây dựng thêm một căn nhà để đón tiếp những khi có khách đoàn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Với tổng diện tích mặt nước của hồ Phúc Thọ hơn 70 ha, trong tổng số diện tích kể trên, Làng sinh thái Lavela sở hữu 130 m2 - đây là không gian chính, làm nên cảnh quan thoáng đãng của Làng sinh thái Lavela”, ông Bùi Anh Lan - chủ nhân của Làng sinh thái Lavela cho biết.
Để giới thiệu về lịch sử hình thành, con người, thành quả kinh tế - xã hội huyện Lâm Hà, vùng kinh tế mới Hà Nội…; đến nay, địa phương đã tổ chức 4 hội nghị triển lãm quảng bá thành tựu, sản phẩm kinh tế của huyện tại các ngày lễ, ngày kỷ niệm của huyện; trên 300 tin, bài giới thiệu các hoạt động du lịch trên hệ thống truyền thanh đại chúng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân hàng năm là 20,56%, tổng lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan nghỉ dưỡng trên 220.000 lượt; trong đó có khách quốc tế trên 18.000 lượt, khách qua lưu trú là 12.321 lượt. Đến 6 tháng đầu năm 2024, huyện Lâm Hà đón tiếp trên 48.788 lượt du khách đạt 54%; trong đó trên 18.130 lượt khách qua lưu trú.
Đến nay, Lâm Hà có tổng số lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch Lâm Hà khoảng 300 người, trong đó lao động trực tiếp 180 người, lao động gián tiếp 120 người, lao động qua đào tạo 106 người, đạt tỷ lệ 52%, chủ yếu là qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, dạy nghề.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Lâm Hà: Các điểm du lịch chủ yếu mang tính tự phát, chưa có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cụ thể, thiếu sự liên kết và đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Bên cạnh đó, chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ du lịch khác như các khu vui chơi giải trí, dịch vụ, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch, nên thời gian lưu trú của du khách còn ngắn…
Vừa qua, huyện Lâm Hà đã tổ chức Hội thảo du lịch huyện năm 2024 nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Tại chương trình, lãnh đạo các sở, ngành như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng; cùng một số doanh nghiệp, công ty và các tổ chức, cá nhân đang trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những nội dung để quan tâm, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương trở thành sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch của huyện và mang giá trị bền vững. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh con người địa phương, những sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế huyện Lâm Hà.
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Huyện Lâm Hà luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển theo hướng chất lượng và bền vững. Đồng thời, bảo đảm phát triển du lịch theo hướng du lịch bền vững, văn hóa, du lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Thông qua các hoạt động du lịch đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch là một trong những giải pháp giúp các tổ chức, cá nhân, người nông dân, hợp tác xã, làng nghề… có thêm nguồn thu nhập, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch của huyện Lâm Hà.
Theo ông Đinh Đức Chí, trong thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách quan tâm đến phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp. Song song đó, tăng cường tạo các điều kiện cho người dân tiếp cận và nâng cao nhận thức về các giá trị của đời sống văn hóa mới; từ đó, phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc…