Hà Nội tập trung sản xuất nông nghiệp xanh

Bình luận · 97 Lượt xem

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như phù hợp với xu thế phát triển, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Từ đây, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã ra đời không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xuất khẩu, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

mo-hinh-trong-nho-ha-den-ta.jpg
Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trọng Tùng

Lợi ích kép từ sản xuất an toàn

Nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay cho lợn nghe nhạc tưởng chừng như rất lạ lẫm, nhưng đã hiện hữu tại trang trại của bà Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Với cách làm này, mỗi tháng trang trại cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn giun giống, 1 tạ giun khô và 4 tấn thịt lợn, đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại vùng đất ven sông Đáy, mô hình trồng nho hạ đen của ông Nguyễn Văn Mỡ ở xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn cho giá trị kinh tế cao. Toàn bộ quy trình trồng nho hạ đen của nhà ông đều tuân thủ các quy định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, để nho sinh trưởng, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vườn nho được thiết kế đưa công nghệ cao vào sản xuất, như: Nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước; nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết. Với diện tích 1.500m2, 600 gốc nho, một năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cung cấp cho thị trường từ 15 đến 20 tấn, tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng/vụ.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh an toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã triển khai 18 mô hình khuyến nông (10 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình thủy sản). Các mô hình này chủ yếu là phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường… Nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân đã chủ động trong việc nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách); giảm lượng phân bón vô cơ...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn còn khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác, như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… còn nhiều hạn chế.

Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh, các ngành chức năng cần bố trí nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm để hỗ trợ hợp tác xã sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh. Cùng với đó, hướng dẫn hợp tác xã đăng ký quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; xây dựng, triển khai sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với người tiêu dùng.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, để phát triển nông nghiệp xanh, an toàn bền vững, huyện tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, người dân về các quy trình sản xuất an toàn, nhất là cách chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh trên cây trồng, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhằm hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cho vật nuôi, hướng tới sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản..., tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng, việc thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của nông dân. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu, song việc chuyển đổi sản xuất cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bình luận