Sau 14 năm từ thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam đã có những bước đổi thay đáng kể, đặc biệt là khu vực các xã miền núi. Với nhiều mô hình sản xuất, mô hình du lịch được hình thành, đời sống bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Nam đã được nâng lên đáng kể.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 32/93 xã miền núi đạt chuẩn NTM. Mặc dù vậy, có 1 thực tế là sau khi bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 được ban hành thì ở Quảng Nam lại xảy ra tình trạng hàng loạt xã bị rớt các tiêu chí.
Theo thống kê, đã có đến 16 xã không thể duy trì chuẩn trong đó phần lớn các xã không giữ vững được từ 1- 3 tiêu chí; Một số xã chưa duy trì được 4 - 5 tiêu chí là: Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức, 4 tiêu chí) xã A Tiêng (huyện Tây Giang, 4 tiêu chí), xã Tư (huyện Đông Giang 5 tiêu chí) và xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn 5 tiêu chí).
Lý giải về nguyên nhân này, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng, đối với các xã miền núi trên địa bàn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là do có điểm xuất phát thấp. Thứ 2 là quy định chỉ tiêu đạt chuẩn của các tiêu chí trong giai đoạn mới tăng rất cao, các địa phương khó có thể đáp ứng kịp.
“Ví dụ như tiêu chí thu nhập thì trong năm 2023, các xã miền núi bình quân chỉ có 24,13 triệu đồng/người/năm nhưng để duy trì thì phải đạt 45 triệu đồng/người/năm đến năm 2024. Chất lượng phải tăng từ từ chứ không thể tăng ngay được. Bên cạnh đó, khi đánh giá tiêu chí để đạt được NTM thì chúng ta đạt được mức tối thiểu. Ví dụ như giao thông nông thôn khi cứng hóa 50% là đạt, các năm sau phải đầu tư để tăng chất lượng lên”, ông Tích chia sẻ.
Cũng theo ông Tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định là nếu xã rớt 6 đến 8 tiêu chí NTM trong đó có tiêu chí thu nhập, môi trường, quốc phòng an ninh và rớt từ 9 tiêu chí NTM trở lên mới thu hồi quyết định công nhận. Đối với Quảng Nam, việc duy trì đảm bảo 19/19 tiêu chí ở các xã miền núi là rất khó khăn. Do vậy, cần chấp nhận và cải thiện dần, cố gắng không đến mức phải thu hồi quyết định công nhận.
“Trong 16 xã chưa duy trì chuẩn thì có ít nhất 12/16 phấn đấu đến cuối năm 2024 đảm bảo duy trì chuẩn. Còn đối với 4 xã đặc biệt khó khăn là xã Lăng và xã A Nông của huyện Tây Giang, xã Ba, xã Tư của huyện Đông Giang rất khó duy trì do các tiêu chí cao quá. Vậy nên, các địa phương cũng như ngành chức năng cần quyết tâm toàn lực để phát triển cho giai đoạn sau”, ông Tích nói.
Để thực hiện được mục tiêu này, Văn phòng điều phối NTM đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương từ xã đến huyện xây dựng kế hoạch duy trì chuẩn cụ thể bằng các nguồn lực, biện pháp, quyết tâm chính trị. Đến nay, 100% số xã không duy trì đã xây dựng được kế hoạch và được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, tập trung các xã rớt 4 - 5 tiêu chí và kiên quyết thu hồi quyết định công nhận nếu không duy trì được theo quy định của Trung ương.
“Ngoài ra, do không thể xin thêm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh cũng đang hạn hẹp nên cần huy động mạnh các nguồn lực khác. Trong đó, miền núi đặc biệt là phải nâng cao hiệu quả nguồn lực để triển khai thực hiện 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Phạm Viết Tích nhấn mạnh.