Nuôi chồn hương hiệu quả cao

Bình luận · 75 Lượt xem

Nuôi chồn hương ít tốn chi phí, bán giá cao và hút hàng nên người nuôi có thể đạt được lợi nhuận tốt. Đặc biệt nuôi chồn cho sinh sản và bán con giống. Điển hình như mô hình nuôi chồn giống của anh Trần Văn Long- chủ Trạ

Là hộ nuôi thành công chồn hương sinh sản ở huyện Mang Thít, anh Trần Văn Long- chủ Trại chồn giống Ba Long được xem là hộ nuôi tiên phong mô hình này.

Anh Long chia sẻ: Bắt đầu nuôi chồn từ năm 2016, tuy đã có không ít kiến thức từ nhiều năm chăn nuôi heo, treo, dúi… nhưng khi chuyển qua nuôi loài chồn hương hoang dã, đã gặp không ít khó khăn và thất bại trong 3 năm liên tiếp do mua phải con giống kém chất lượng và chưa có kinh nghiệm. Đến tháng 11/2018, anh đã tìm mua con giống chất lượng, tự học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi nên đã thành công đến nay.

Theo anh Long, so với các vật nuôi khác, chồn hương là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, nhưng phải theo đúng quy trình. Trong quá trình nuôi, hàng ngày nên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên.

Bên cạnh đó, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã nên rất hung dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô. Mỗi con chồn hương thuần dưỡng 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4-5 con. Thông thường, thời gian mang thai của chồn hương cái thường kéo dài từ 60-65 ngày.

Chồn hương sau khi nuôi 10 tháng thì có thể xuất bán. Đây là loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng chủ yếu chỉ cho ăn chuối, cá phi sẵn có ở địa phương nên chi phí đầu tư tương đối thấp, chủ yếu là tốn chi phí trong khâu đầu tư chuồng trại nên cũng khá phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân.

Ban đầu, khu chuồng nuôi của anh Long có 40 con chồn cái và 10 con chồn đực, đến nay, sau 5 năm, anh đã mở rộng thành 11 khu nuôi, gồm 7 khu nuôi chồn đẻ và 4 khu nuôi chồn tiêm ngừa chờ xuất bán với tổng số lượng 500 con nái.

“Khâu quan trọng trong khi nuôi chồn hương là phải đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh cho chồn. Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý cho ăn vừa phải, vì nếu cho ăn nhiều, chồn sẽ mập, dẫn đến khó đẻ, thương lái sẽ chê.

Thị trường tiêu thụ loại vật nuôi này rất rộng, từ Bắc đến Nam. Hiện, giá chồn bố mẹ từ 40 triệu đồng/cặp, chồn con từ 10 triệu đồng/con, trại nuôi cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”- anh Long cho biết thêm.

Ngoài bán chồn giống, anh Long còn tận tình hướng dẫn kinh nghiệm cho người nuôi lân cận. Theo anh Long, mô hình nuôi chồn hương này không cần diện tích rộng, công chăm sóc không nhiều, ít rủi ro nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Long cũng đã đưa con giống, thức ăn cho hơn 10 hộ dân để nuôi gia công. Đồng thời, từ mô hình này cũng đã giải quyết cho hơn 10 lao động tại địa phương. Hướng tới, trại giống sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi 3.000m2 để tăng số lượng chồn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Trương Tấn Được- Bí thư Đảng ủy xã Bình Phước (huyện Mang Thít), tại xã đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mới ứng dụng kỹ thuật công nghệ, trong đó, có mô hình phát triển bền vững và đem lại thu nhập khá cho nông dân. Điển hình như mô hình nuôi chồn hương đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Mô hình có tiềm năng nhân rộng, tạo việc làm, thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Bình luận