Huyện Vân Hồ hiện có trên 14.700ha đất sản xuất nông nghiệp, với lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ là tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, huyện đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, lấy doanh nghiệp, HTX làm vai trò hạt nhân; phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế, tiềm năng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 74 HTX nông nghiệp, với hàng nghìn thành viên và hộ liên kết. Các HTX đã phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện Vân Hồ đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển hoạt động của các HTX, thử nghiệm các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và phục tráng lại một số giống cây truyền thống của địa phương, như cây mận tại xã Vân Hồ, Lóng Luông; thâm canh chè tại xã Tô Múa; mô hình giống lúa Thụy Hương 308 tại xã Chiềng Yên; chuyển giao quy trình kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc hoa cát tường...
Đẩy mạnh ứng dụng các phương thức sản xuất hiện đại, quy trình sản xuất nông nghiệp, các HTX đã thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và trồng trong nhà kính, nhà lưới. Hiện nay, huyện Vân Hồ duy trì hơn 162ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; đầu tư 20.360m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất; 7,1ha đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm; có 8 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao...
Là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Vân Hồ triển khai mô hình trồng cam đường canh theo hướng hữu cơ, ông Đỗ Hữu Hạnh, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Meha, xã Vân Hồ, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở bản Pa Cốp trồng cam hay các cây ăn quả phải phụ thuộc nhiều vào phân bón vô cơ, chi phí cao. Chưa kể, đất nhanh bị thoái hóa, cây ăn quả năm được năm mất. Từ khi chuyển sang canh tác theo chuẩn hữu cơ, chi phí phân bón giảm một nửa, đất đai tơi xốp, phì nhiêu, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có hơn 30 ha cam đường canh, trong đó có 6ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 10-15 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
Còn tại xã Xuân Nha, việc triển khai các dự án hỗ trợ nhân dân phát triển mở rộng diện tích trồng, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ măng bát độ được HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế. HTX đã được hỗ trợ đầu tư hệ thống vườn ươm giống rộng 1.000m², nhà xưởng 300m² và nhà sấy năng lượng mặt trời 100m², công suất chế biến đạt 200 tấn sản phẩm tương đương 600 tấn nguyên liệu/năm, chủ yếu là các sản phẩm măng khô, măng muối, măng chua; trong đó, sản phẩm măng hốc muối chua của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh; doanh thu đạt khoảng 550 triệu đồng/năm.
Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha, cho biết: HTX đang dự định mở rộng vùng nguyên liệu từ 200 ha lên trên 300 ha, với 435 hộ liên kết, từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập.
Từ thực tế cho thấy, việc tham gia các HTX của nhân dân đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, để các HTX hoạt động hiệu quả, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu mạnh, giúp các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.