Công ty TNHH Nông nghiệp mặn Halofai (Halofai) xác định hành trình xanh hóa vùng đất mặn còn rất dài với nhiều thách thức. Song, Halofai vẫn tự tin theo đuổi mục tiêu trở thành doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam về kinh tế nước mặn tuần hoàn bền vững; có mặt trong tốp 20 công ty về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trên thế giới.
Xanh hóa vùng đất mặn
Những ngày này, CEO Lâm Quốc Nhựt của Halofai đang có mặt tại TP HCM để tìm kiếm đối tác, cộng sự nhằm mở rộng và đẩy nhanh đầu ra cho các sản phẩm.
"Công ty thành lập năm 2021 và có sản phẩm ra thị trường từ năm 2022. Thời gian đầu, đội ngũ Halofai tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và nhà xưởng sản xuất ở Cà Mau. Giờ mọi việc đã ổn định, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho khâu thương mại" - Lâm Quốc Nhựt cho biết.
Trong giới startup về nông nghiệp, Halofai khá nổi tiếng với hàng loạt giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp, như: giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; giải nhì cuộc thi Thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức; top 20 Dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2021...
Cái hay của DN có trụ sở ở Cà Mau này là làm nông nghiệp mặn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. "Lâu nay, Cà Mau được biết đến với nghề nuôi thủy sản. Những năm gần đây, không chỉ Cà Mau mà nhiều vùng khác của đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặt, không thể trồng lúa và hoa màu, đất trở nên hoang hóa. Chứng kiến điều đó, tôi quyết tâm tìm kiếm mô hình phủ xanh đất mặn để tạo sinh kế cho người dân" - Nhựt bộc bạch.
Ở thời điểm Halofai đi vào hoạt động, nông nghiệp mặn còn rất xa lạ với người dân Việt Nam nên từng bước đi của công ty đều gặp vô vàn thách thức. Hầu như không có tài liệu trong nước về ngành này, Nhựt phải tìm đọc tài liệu từ nước ngoài và tham vấn một số giảng viên, nhà khoa học về kỹ thuật trồng trọt trước khi bắt tay trồng thử nghiệm.
Sau nhiều lần thất bại, Nhựt chọn ra được 8 loại cây bản địa có thể sống được hoàn toàn với nước mặn. 3 loại cây trong đó được nghiên cứu, phát triển thành nguyên liệu sản xuất, gồm: cây ô rô trồng ở mép bờ, cây quao và cây sơ ri trồng ở trên bờ. Đặc tính của những cây trồng này, kể cả sơ ri, là không cần chăm sóc quá nhiều nhưng có thể khai thác lâu dài. Thông qua việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ dân ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, Halofai đã gây dựng vùng nguyên liệu từ các loại thực vật chịu mặn với tổng diện tích gần 20 ha.
Sẵn sàng bước vào sân chơi lớn
Lâm Quốc Nhựt cho biết do đây là những cây trồng đặc thù nên các khâu - từ nghiên cứu phát triển sản phẩm đến máy móc, thiết bị dùng trong chế biến sản phẩm - đều mới toanh.
Halofai vừa đặt hàng máy móc vừa tự phát triển công thức chế biến. Sau khoảng 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm rồi hoàn thiện sản phẩm, tháng 10-2023, công ty ra mắt nhóm sản phẩm từ các cây trồng chịu mặn, gồm: muối thực vật, trà ô rô, viên uống thải độc gan từ nguyên liệu chính là cây ô rô và nước uống sơ ri.
Khó khăn lần này là làm sao để khách hàng chấp nhận, tin dùng những sản phẩm quá mới mẻ trên thị trường. "Tôi mang sản phẩm đi giới thiệu tại khắp các hội chợ, triển lãm, lễ hội nông sản... Dần dà, khách hàng làm quen, dùng thử và chấp nhận quay lại mua nhiều lần. Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM, Hà Nội, Ninh Bình" - anh nhớ lại.
CEO quê gốc Cà Mau tự tin rằng dự án phát triển nông nghiệp mặn được anh và cộng sự mất 3 năm để xây dựng hoàn chỉnh cùng sự hưởng ứng, đồng hành của người dân địa phương nên sẽ là nền tảng vững chắc để công ty sẵn sàng bước vào sân chơi lớn.
"Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nông nghiệp mặn còn rất mới mẻ. Trong bối cảnh hạn mặn ngày càng khốc liệt, nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm, mô hình phát triển nông nghiệp mặn bằng việc sử dụng nguồn nước mặn dồi dào sẵn có là giải pháp cần thiết để bảo đảm sinh kế cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội" - Nhựt phân tích. Anh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 sẽ trở thành công ty hàng đầu tại Việt Nam về kinh tế nước mặn tuần hoàn bền vững; thuộc top 20 công ty về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trên thế giới.
Trước mắt, song song với việc tìm kiếm đối tác thương mại, Nhựt tập trung nâng cấp hoàn thiện nhà xưởng từ 200 m2 lên 1.000 m2 trong năm nay, đồng thời tiến hành các thủ tục để có thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của Halofai ra thị trường quốc tế.
Phát triển kinh tế thuận tự nhiên
Theo giải thích của Lâm Quốc Nhựt, Halofai là phát âm của từ halophyte - nghĩa là thực vật chịu mặn. Halofai còn được hiểu như là một điểm sáng trong gam màu tối của bức tranh nông nghiệp tương lai.
"Trước đây, nông dân Cà Mau chỉ nuôi tôm, cua dưới nước; phần diện tích trên bờ gần như bỏ trống. Mô hình của Halofai sẽ khai thác tối ưu cả diện tích dưới nước lẫn trên bờ. Chất thải nguyên liệu sản xuất (bã ô rô, sơ ri, quao...) được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ hoặc có thể rải trực tiếp, làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu càng lớn, tỉ lệ phủ xanh càng cao thì công ty càng có nhiều khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon" - anh hào hứng.