Nghiên cứu khoa học của ASISOV được Bộ KH-CN đánh giá cao

Bình luận · 110 Lượt xem

Bộ KH-CN ghi nhận những thành tựu mà ASISOV đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Ngày 20/7, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đóng trên địa bàn Bình Định.

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV, những năm qua, ASISOV đã chọn tạo được những bộ giống lúa mới cho cả 2 phân khúc lúa chất lượng và lúa chế biến. Những giống lúa mới thuộc nhóm giống lúa chất lượng do ASISOV chọn tạo đang được nông dân tin dùng, gồm: BĐR57, BĐR36, BĐR79, BĐR97, ANS1; về giống lúa phục vụ chế biến có BĐR999.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV (bìa phải), giới thiệu với Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái một số mô hình nghiên cứu về giống được thực hiện tại Viện. Ảnh: V.Đ.T.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV (bìa phải), giới thiệu với Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái một số mô hình nghiên cứu về giống được thực hiện tại Viện. Ảnh: V.Đ.T.

Một trong những giống thuộc nhóm lúa chất lượng được ASISOV nghiên cứu, chọn tạo và phát triển sớm ra sản xuất là giống ANS1 (An Sinh 1399) đã được công nhận chính thức năm 2018. Từ năm 2020, giống ANS1 đã được Sở NN-PTNT Bình Định đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, đây là kết quả sau gần 10 năm nghiên cứu, chọn tạo của tập thể các nhà khoa học của ASISOV.

Về giống cây màu, ASISOV đã chọn tạo được giống đậu phộng LDH.01 vỏ mỏng, năng suất cao, phù hợp với chế biến dầu ăn; giống LDH.09 thuộc nhóm quả to, năng suất quả tươi cao, phù hợp với ăn tươi. Trong đó, giống đậu phộng LDH.09 đã chinh phục những vùng đất lúa chuyển đổi tại các địa phương ven biển Bình Định. Trong thời gian này, ASISOV cũng đã chọn tạo được các giống đậu xanh ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08.

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Bình Định ưu tiên sử dụng 2 giống đậu xanh mới do ASISOV chọn tạo do các giống đậu xanh mới này có khả năng kháng được bệnh khảm lá và chín tập trung, giúp nông dân giảm số lần thu hoạch và dần tiến tới cơ giới hóa khâu thu hoạch để giảm công lao động.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV báo cáo với đoàn công tác của Bộ KH-CN các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của Viện. Ảnh: V.Đ.T.

TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV báo cáo với đoàn công tác của Bộ KH-CN các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của Viện. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, ASISOV còn chọn tạo các giống rau, dưa mới, đồng thời hoàn thiện hệ thống nhân giống rau trong nước nhằm chủ động cung cấp hạt giống rau phục vụ sản xuất. Đây là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao trong giai đoạn hiện nay.

Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, từ năm 2016, ASISOV đã đề ra chiến lược nghiên cứu, chọn tạo các giống rau lai F1 cho các tỉnh phía Nam trên nền tảng khai thác tối đa các đặc tính quý của giống địa phương như mùi thơm, tính chống chịu sâu bệnh hại, chịu nhiệt, chất lượng ngon, kết hợp với các nguồn gen nhập nội có đặc tính năng suất cao, mẫu mã đẹp, khả năng bảo quản dài.

Kết quả đến thời điểm này, ASISOV đã chọn tạo thành công các giống rau lai F1 như: Dưa chuột thơm Thiên Hương 1, Thiên Hương 2; dưa lưới Hoàng Ngân; mướp đắng Hà Thanh 1, Hà Thanh 2; bí ngô Dương Long 77, Phương Mai 77; hành tím F1.

“Hiện ASISOV đang tiếp tục chọn lọc, duy trì, bảo quản khá đa dạng nguồn vật liệu các chủng loại rau như dưa chuột, bí ngô, mướp đắng, dưa lưới, bí xanh, dưa hấu để tiếp tục phục vụ công tác lai tạo các giống rau mới cho những năm tiếp theo”, TS Vũ Văn Khuê chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc với ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc với ASISOV. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, ASISOV cũng đã nghiên cứu, ứng dụng một phần hoặc đồng bộ các biện pháp cơ giới hoá trong công đoạn làm đất, gieo sạ, thu hoạch và thu gom rơm rạ; giảm lượng giống gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc thiết bị sạ cụm; quản lý cỏ dại và dịch dại tổng hợp, đặc biệt là sử dụng thiết bị báy bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV hoá học hoặc phân bón qua lá. Sử dụng phân đạm chậm tan để giảm lượng đạm và giảm phiên tưới nước hoặc tưới nước ướt - khô xen kẽ để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát thải thấp.

Sau khi nghe lãnh đạo ASISOV báo cáo một số kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, cùng các đề xuất tham gia nghiên cứu các chương trình KH-CN cấp quốc gia giai đoạn 2025 - 2030, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả, thành tựu mà tập thể đơn vị đạt được trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh Bình Định.

“Chúng tôi đề nghị ASISOV tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo một số cây, con giống phù hợp, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu tại tỉnh, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt phải xây dựng kế hoạch và có định hướng kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành vào những mô hình nông nghiệp công nghệ cao…”, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái đề nghị.

Bình luận