Nhân giống lúa BL9 ở Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: C.L
Chọn giống lúa mới
Ông Lê Phước Tồn (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) - một trong những nông dân tiên phong trồng giống lúa BL9, chia sẻ: “Lúc nhận giống lúa mới về canh tác, gia đình tôi không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Thế nhưng tất cả những nghi vấn ấy dần tan biến khi hạt lúa nảy mầm nhanh, mau bắt rễ và phát triển rất tốt. Ngoài ra, một ưu điểm nữa là không tốn quá nhiều công chăm sóc như một số giống lúa khác. Với năng suất hơn 6,5 tấn/ha và được bao tiêu hoàn toàn, cả nhà tôi ai cũng vui khi giống lúa mới thành công ngay vụ đầu trồng thử”. Không chỉ thích ứng tốt với điều kiện đồng đất của vùng chuyển đổi mà phần gốc rạ, rơm của giống lúa BL9 cũng phân hủy khá nhanh, thuận lợi cho việc cải tạo vuông để nuôi tôm.
Qua sản xuất trình diễn ở các điểm, ngành chức năng đánh giá giống BL9 có thời gian sản xuất ngắn (95 ngày), khả năng chịu mặn khá (khoảng 4‰), kiểu hình thấp, dạng hình đẹp, cứng cây, năng suất 6 - 7 tấn/ha, ít nhiễm sâu bệnh, thích hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Đặc biệt là phẩm chất gạo BL9 trong, ít bạc bụng, thơm nhẹ, cơm dẻo ngọt, để nguội không khô…
Cùng với giống lúa BL9 vừa được cấp chứng nhận lưu hành, hiện Trung tâm cũng đang thử nghiệm nhiều giống lúa mới, trong đó có BL10 được chọn tạo từ giống RVT/OM4900, sau khảo nghiệm sơ khởi tại Trung tâm, từ năm 2020 - 2023 đã và đang triển khai trồng thử nghiệm trên nhiều vùng sinh thái trong tỉnh. Kết quả, giống lúa BL10 được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển, phù hợp với vùng ngọt ổn định, có thể canh tác 2 - 3 vụ/năm. Giống lúa BL10 có tiềm năng cho năng suất từ 6,5 - 7,5 tấn/ha, thích nghi rộng, dễ canh tác; hạt gạo thon, dài, cơm mềm, dẻo, thơm nhẹ…
“Nhiều năm nay, Trung tâm đã khẳng định được vai trò tiên phong và là địa chỉ tin cậy của bà con trong hoạt động cung ứng lúa giống chất lượng cao, cũng như hỗ trợ kỹ thuật canh tác và chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Hiện Trung tâm đã triển khai trồng thử nghiệm 3 giống lúa trên các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia. Đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đưa giống BL9 thành giống mang thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất các giống lúa chịu mặn vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Nguyễn Phương Hùng - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết.
Hướng đến mở rộng vùng canh tác
Cùng với các giống lúa chất lượng cao từ lâu đã khẳng định được thương hiệu, năng suất, chất lượng hạt gạo trên đồng đất Bạc Liêu như: Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, ST24, ST25…, việc giống lúa BL9 được cấp phép đặc cách lưu hành đã giúp nông dân có thêm sự lựa chọn khi bắt tay vào vụ mới. Song song với việc quảng bá, giới thiệu để mọi người biết đến giống lúa BL9, tỉnh cũng tích cực tìm kiếm các đối tác trong và ngoài tỉnh để xây dựng vùng chuyên canh, đáp ứng tốt cả về số lượng lẫn chất lượng, phục vụ cho xuất khẩu, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch của Bạc Liêu trên bản đồ lương thực của cả nước.
Mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT và đại diện Trung tâm cũng đã có buổi làm việc với Công ty ANGIMEX (An Giang) bàn về việc nhân rộng sản xuất lúa BL9 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, vụ thu đông và đông xuân năm 2023 sẽ triển khai trồng giống lúa BL9 trên diện tích 500ha và Công ty ANGIMEX sẽ bao tiêu hoàn toàn. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho rằng: “Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với Công ty ANGIMEX triển khai thực hiện sản xuất giống lúa BL9 ở các huyện, thị trong tỉnh; đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất, nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Đặc biệt là xây dựng vùng lúa nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị lúa thơm - tôm sạch Bạc Liêu, từng bước xây dựng giống lúa BL9 đạt chuẩn lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…”.
Chí Linh