OCOP tạo luồng gió mới phát triển kinh tế nông thôn

Bình luận · 81 Lượt xem

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã đánh giá và phân hạng được 138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 2 sản phẩm 5 sao.

Thời gian qua, chương trình OCOP tỉnh An Giang được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập và ổn định đời sống người dân, xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, đâu là điểm nhấn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn An Giang?

An Giang xác định việc phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sẽ góp phần tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững của địa phương và hơn hết cần phát huy sự tham gia của cộng đồng mà đặc biệt là các chủ thể sản xuất trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh An Giang nói riêng.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 138 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao và 120 sản phẩm 3 sao của 99 chủ thể kinh tế (8 HTX, 1 tổ hợp tác, 24 doanh nghiệp, 66 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

Có 111 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên gồm 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao của 83 chủ thể. Trong đó, có 25 sản phẩm hết hạn công nhận 36 tháng và đang thực hiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lại theo quy định mới của Trung ương. Có 2 sản phẩm ngừng hoạt động sản xuất.

Chương trình OCOP của tỉnh An Giang tập trung vào các chính sách, giải pháp nào để hỗ trợ thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, thưa ông?

Hiện số lượng sản phẩm OCOP của An Giang được công nhận tuy có tăng, nhưng chưa thực sự bền vững thể hiện là quy mô sản xuất của các chủ thể thường nhỏ, năng lực quản lý điều hành trong sản xuất kinh doanh còn ở mức thấp. Từ đó việc tham gia hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của các chủ thể còn ít, không thường xuyên và ổn định.

Tính đến nay, An Giang đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 138 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, có 2 sản phẩm 5 sao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến nay, An Giang đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 138 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, có 2 sản phẩm 5 sao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các chủ thể kinh tế có sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại nên chưa đủ điều kiện phát triển đạt các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, chương trình OCOP của tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc. Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù của các địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy ngành nghề nông thôn nhằm phát huy sức sáng tạo của người dân nông thôn.

Việc gắn kết và lồng ghép các hoạt động truyền thông trong chuỗi phát triển sản phẩm OCOP, An Giang đang triển khai đạt những kết quả như nào thưa ông?

Việc nâng cao nhận thức một cách sâu rộng, thường xuyên, liên lục thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Gắn kết và lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, tư vấn chương trình OCOP và các chủ thể kinh tế.

Hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, cơ giới hóa, công nghệ chế biến quy mô vừa và nhỏ. Hỗ trợ thực hiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và hỗ trợ tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.

Về khía cạnh xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại điện tử.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của An Giang đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của An Giang đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gần đây An Giang còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên TikTok. Từ đó giúp doanh nghiệp, HTX tiếp cận khách hàng giàu tiềm năng của mình trên nền tảng mạng xã hội để bán các sản phẩm OCOP thuận lợi kết nối đầu ra.

Thưa ông, để đạt được mục tiêu cũng như yêu cầu đề ra trong thời gian tới đối với sản phẩm OCOP, Sở NN-PTNT có đề xuất giải pháp nào và kiến nghị gì?

Các sở, ngành có liên quan đến chương trình OCOP thực hiện kế hoạch, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, rà soát cập nhật sản phẩm tiềm năng như các sản phẩm từ dược liệu tại các huyện miền núi, vùng cao, thủ công mỹ nghệ tại các huyện nhiều tiểu thủ công nghiệp, sinh vật cảnh. Trong năm 2024 sẽ có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận thuộc nhóm, ngành du lịch, dược liệu, thảo dược.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang (bìa trái) trao chứng nhận cho các chủ thể đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang (bìa trái) trao chứng nhận cho các chủ thể đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hơn về công tác chỉ đạo, điều hành triển khai chương trình OCOP tại địa phương, căn cứ vào nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai chương trình OCOP của năm. Tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban ngành chuyên môn và các địa phương trên địa bàn rà soát, nghiên cứu, tiếp tục có kế hoạch, lộ trình thực tế thực hiện chương trình OCOP của địa phương để có nội dung thực hiện về thời gian và sự phân công các ngành phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan. Từ đó tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và định hướng để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang trong công tác tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá đến thị trường trong, ngoài tỉnh và thị trường ngoài nước. Đồng thời có những chính sách ưu đãi cho các chủ thể OCOP.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận