Trữ ngầm nước mưa giúp dân đảo Hòn Ngang vượt hạn

Bình luận · 91 Lượt xem

Giải pháp thu gom, bổ cập nước mưa vào các 'túi' nước ngầm phục vụ sinh hoạt đã giúp người dân đảo Hòn Ngang vượt qua mùa khô hạn.

Mùa khô, đảo khát

Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 80km, được chia thành 2 xã đảo là An Sơn và Nam Du. Trong đó, xã Nam Du gồm có 7 đảo, với đảo Hòn Ngang là trung tâm của xã.

Ngoài dân cư trên đảo khá đông đúc, với trên 2.600 nhân khẩu, Hòn Ngang còn là nơi neo đậu của các tàu thuyền đánh bắt xa bờ về tránh trú và trao đổi nhu yếu phẩm phục vụ cho nghề cá. Đây còn là đảo du lịch, có bãi biển đẹp, hoang sơ nên lượng khách du lịch đến với đảo hàng ngày khá lớn.

Thu gom nước mưa từ các sườn núi và bổ cập vào hệ thống nước ngầm để khai thác sử dụng. Ảnh: Trung Chánh.
Thu gom nước mưa từ các sườn núi và bổ cập vào hệ thống nước ngầm để khai thác sử dụng. Ảnh: Trung Chánh.

 

Với đặc thù thời tiết vùng đảo Nam Du có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, trong đó mùa khô thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vào mùa khô, lượng nước bốc hơi lớn, khách du lịch tăng nhiều và dân số trên đảo đông đúc, nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Mực nước ngầm bị hạ thấp, các giếng khoan, giếng đào bị suy kiệt và xâm nhập mặn dẫn đến khan hiếm nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Để có nước ngọt sử dụng, người dân trên đảo phải đổi nước từ tàu chở trong đất liền ra với giá khá cao, có thời điểm lên đến hơn 200.000 đồng/m3. Một số hộ khoan được giếng khai thác nước ngầm để sử dụng và cung cấp cho các hộ dân lân cận với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/m3. Hiện trên đảo Hòn Ngang có trên 30 giếng, đa số các giếng này là của tư nhân cấp nước cho các nhà nghỉ và bán cho các hộ dân lân cận, có nhà khoan tới 3 - 4 giếng.

Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi, mang tính tự phát dẫn đến nguồn nước ngầm trên đảo bị suy kiệt. Không ít giếng khoan chỉ sử dụng được 1-2 năm, sau đó không khai thác được do bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, đồng thời phá vỡ cấu trúc tầng chứa nước.

Lưu trữ nước mưa vào túi nước ngầm

Đảo Hòn Ngang với đặc điểm là đảo nhỏ, bề mặt địa hình có độ dốc lớn, diện tích hẹp, quỹ đất công hầu như không còn nên không thể xây dựng các hồ chứa để tích nước. Giải pháp thu gom nước mưa từ sườn đồi, đưa xuống tầng chứa nước được nghiên cứu áp dụng phần nào đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trên đảo.

Nước mưa được thu gom và lưu trữ vào 'túi' nước ngầm. góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Ảnh: Trung Chánh.Nước mưa được thu gom và lưu trữ vào 'túi' nước ngầm. góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. Ảnh: Trung Chánh.

 

Ông Nguyễn Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết: “Công nghệ bổ cập nước mưa vào hệ thống các túi nước ngầm và khai thác sử dụng tại đảo Hòn Ngang đã được thí điểm thành công. Đây là đề tài khoa học cấp quốc gia do Viện Thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) thực hiện. Mới đây, Kiên Giang đã tổ chức hội thảo khoa học bàn về giải pháp để đưa công nghệ này vào ứng dụng nhân rộng cho đảo Phú Quốc và các đảo khác trên địa bàn”.

Số liệu qua hệ thống quan trắc và qua thực tế sử dụng nước trên đảo sau từng trận mưa đã cho thấy hiệu quả rất cao, xác định lượng bổ cập khá lớn. Sau khi được bổ cập, mực nước ngầm tại thời điểm mùa khô năm 2023 đã tăng từ 3,3m đến 4,1m so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chất lượng nước cũng thay đổi tốt hơn. Lượng nước thu gom vào bồn để cấp cho dân mỗi năm đạt trên 6.000m3. Đặc biệt, lượng nước tự chảy vào bồn chứa nước 2.600m3 đạt mức kiểm soát, từ đó cung cấp cho dân sử dụng trong các tháng mùa khô.

Giải pháp đã tận dụng được các điều kiện khí hậu, địa hình, địa chất nhằm tái tạo nguồn nước. Mạch nước ngầm sau khi được bổ cập đã lan tỏa về phía biển khoảng 70m và xuống sâu khoảng 7m.

Bình luận