Vùng nguyên liệu cà phê cần khoảng 11.000 lao động

Bình luận · 265 Lượt xem

Ngày 22/8, tại tỉnh Gia Lai, Bộ NN-PTNT tổ chức họp bàn về việc đưa sinh viên nông nghiệp về thực tập và làm việc tại các vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên.

Giải pháp nguồn lao động được đưa ra tại hội nghị. Ảnh: Đăng Lâm.

Giải pháp nguồn lao động được đưa ra tại hội nghị. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhu cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê rất lớn

Trước đó, Bộ NN-PTNT thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700ha gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 HTX sẽ được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê. Chính vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới cho vùng nguyên liệu cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay nhu cầu nguồn lao động trong vùng nguyên liệu cà phê đang rất lớn, vấn đề kết hợp như thế nào giữa cung và cầu để mang lại hiệu quả.

Cái chính là sự kết hợp giữa HTX và doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn lao động để từ đó các trường  đào tạo ngành liên quan sẽ có định hướng cụ thể hơn. Việc đưa sinh viên về thực tập cũng rất cần thiết, để qua đó các HTX và doanh nghiệp mời gọi về làm việc lâu dài.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), dự kiến nhu cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê khoảng 11.000 người. Trong đó, 10.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất cà phê.

Tuy nhiên, nhiều lao động hiện nay còn hạn chế trong thực hành sản xuất theo quy trình canh tác tiên tiến, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, người lao động thiếu kiến thức về kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất, trong thời gian tới cần đưa nội dung đào tạo HTX, liên kết vùng nguyên liệu vào giảng dạy. Phối hợp đưa sinh viên đi thực tập tốt nghiệp trong các tổ chức tại các vùng nguyên liệu. Về phía doanh nghiệp, HTX cũng cần tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc lâu dài, ổn định. Trong khi đó, các địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút lao động trẻ về hỗ trợ HTX, doanh nghiệp.

Đưa sinh viên về thực tập, tiến tới làm việc lâu dài

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, hiện nay các doanh nghiệp và HTX đều thiếu hụt lực lượng lao động. Việc sinh viên thực tập, ra trường làm việc tại doanh nghiệp là điều đáng mừng, giúp cho cây cà phê giảm tổn thất sau thu hoạch.

“Doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập và ra trường làm việc tại doanh nghiệp. Muốn như vậy, sinh viên cũng cần có tình yêu, niềm đam mê với nghề, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cà phê thì mới có thể gắn bó lâu dài”, ông Hiệp chia sẻ.

Nhu cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê khoảng 11.000 người. Ảnh: Minh Hậu.

Nhu cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê khoảng 11.000 người. Ảnh: Minh Hậu.

Để giải bài toán nguồn nhân lực tại các vùng nguyên liệu cà phê, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho HTX, doanh nghiệp. Cùng với đó là ứng dụng khoa khọc kỹ thuật, tổ chức liên kết chuỗi giá trị theo hướng bền vững.

Muốn vậy, cần phải cử sinh viên thực tập tốt nghiệp tại các HTX, doanh nghiệp tại vùng Tây Nguyên. Đồng thời cử cán bộ về địa phương để giải quyết các vấn đề của địa phương, HTX, doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX cũng cần phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phân tích đất, nước, phòng trừ sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc, logistics…

“Để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tài trợ một số học bổng cho học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông loại giỏi, đam mê nghề nghiệp, cam kết về địa phương làm việc”, GS.TS Lan chia sẻ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế thì rất cần đội ngũ cán bộ hỗ trợ, cùng với những nông dân chuyên nghiệp trong sản xuất cà phê. Chính vì vậy cần phải liên kết với nhau theo cung cầu để từ đó đào tạo nguồn nhân lực bài bản phục vụ cho vùng nguyên liệu cà phê.

Thứ trưởng đề nghị, các HTX, địa phương nắm lại nhu cầu lao động rồi đặt thẳng vấn đề với các trường để đào tạo con người gắn với chuyên môn cụ thể. Mong muốn làm sao để thực hiện tốt nhất đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn

Bình luận