Kết hợp thức ăn công nghiệp và truyền thống để chăn nuôi hiệu quả

Bình luận · 92 Lượt xem

ĐBSCL Ông Phạm Văn Chót, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chia sẻ, để vật nuôi mạnh khoẻ, thể trạng tốt nên nuôi theo cách truyền thống kết hợp với thức ăn công nghiệp hợp lý.

Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Tại Sóc Trăng, địa phương luôn xác định, việc chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sản xuất của người chăn nuôi và sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn kịp thời, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, xử lý mầm bệnh khi phát hiện trên đàn vật nuôi một cách hiệu quả, không để lây lan trên diện rộng.

Nhiều hộ nuôi heo tại Sóc Trăng kết hợp giữa thức ăn truyền thống và công nghiệp để giảm giá thành chăn nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều hộ nuôi heo tại Sóc Trăng kết hợp giữa thức ăn truyền thống và công nghiệp để giảm giá thành chăn nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Chị Phạm Phương Thảo, người chăn nuôi ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, gia đình có đàn lợn khoảng 10 con, trong đó có 3 con lợn sinh sản.

Để bảo vệ sức khoẻ cho vật nuôi hiệu quả, tránh mầm bệnh xảy ra, chị Thảo thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng. Đồng thời, liên hệ với cán bộ thú y địa phương để chăm sóc, theo dõi tình trạng vật nuôi định kỳ.

“Nhờ làm tốt khuyến cáo của ngành chăn nuôi mà vật nuôi của gia đình tôi phát triển khoẻ mạnh, có thể trạng tốt, ít bệnh. Khi có biểu hiện bệnh là tôi liên hệ cán bộ thú y đến chăm sóc liền nên tỉ lệ nuôi thành công đạt rất cao. Xuất chuồng vụ nuôi nào cũng có lãi ít nhiều”, chị Thảo chia sẻ.

Chăn nuôi an toàn, chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ sớm luôn là chủ trương của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu ngành NN-PTNT tỉnh này tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đảm bảo phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Đối với đàn gia cầm, thủy cầm số lượng lớn được địa phương quan tâm chủ động tiêm ngừa vacxin. Ảnh: Trọng Linh. 

Đối với đàn gia cầm, thủy cầm số lượng lớn được địa phương quan tâm chủ động tiêm ngừa vacxin. Ảnh: Trọng Linh. 

“Sở NN-PTNT Sóc Trăng tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đánh giá hiệu quả kháng thể sau tiêm phòng và có đề xuất chọn mua vacxin phòng bệnh hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc trăng chỉ đạo.

Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Người nuôi vịt cho ăn chạy đồng và kết hợp với thức ăn công nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.

Người nuôi vịt cho ăn chạy đồng và kết hợp với thức ăn công nghiệp. Ảnh: Trọng Linh.

Tại các tỉnh vùng ĐBSCL có số lượng đàn gia cầm, gia súc lớn như Bạc Liêu, Cà Mau rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Các tỉnh đề cao việc chăn nuôi an toàn, không để mầm bệnh tấn công vật nuôi, đẩy mạnh tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh dịch nhằm đảm bảo sức khoẻ cho vật nuôi.

Bà Nguyễn Ngọc Há, người có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi heo, ngụ thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau chia sẻ: Thức ăn công nghiệp có ưu điểm là thúc đẩy vật nuôi lớn nhanh, mau xuất chuồng. Theo tôi thức ăn công nghiệp sẽ giúp hỗ trợ việc chăn nuôi hiệu quả, an toàn, nhưng người nuôi cần sử dụng liều lượng thức ăn nhất định.

Theo bà Há, cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng người chăn nuôi cần có biện pháp chăn nuôi lành mạnh, hiệu quả, đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bán ra thị trường những thực phẩm không đạt chất lượng.

Ông Phạm Văn Chót, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chia sẻ, để vật nuôi mạnh khoẻ, thể trạng tốt nên nuôi theo cách truyền thống kết hợp với thức ăn công nghiệp hợp lý, bởi thức ăn công nghiệp giúp vật nuôi lớn nhanh, kết hợp với cách nuôi truyền thống xen kẽ sử dụng rau cỏ làm thức ăn độn vật nuôi rất khoẻ, ít mắc bệnh. Còn nuôi theo cách truyền thống có nhược điểm vật nuôi phát triển chậm hơn, mất nhiều thời gian”, ông Chót nói.

Chăn nuôi an toàn, chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ xa luôn là chủ trương đúng đắn của ngành nông nghiệp. Thực tế đã qua, người chăn nuôi đã thực hiện tốt những khuyến cáo của chính quyền địa phương trong chăn nuôi, kịp thời xử lý và ngăn chặn mầm bệnh xảy ra từ sớm nên thiệt hại với người nuôi là không đáng kể.

Bình luận