Giải bài toán liên kết sản xuất để gỡ khó cho nông dân

Bình luận · 73 Lượt xem

ông nghiệp của Đồng Nai có khả năng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số mặt hàng về chăn nuôi, trái cây của Đồng Nai chiếm tỷ trọng đáng kể trong nông nghiệp c

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ thị trường đầu ra cho nông sản, nguồn vốn sản xuất đến liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm...

Nhiều vấn đề sát sườn từ kiến nghị của nông dân

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân ngày 12-7 mới đây, hàng chục ý kiến của nhà nông đã gửi cơ quan quản lý. Nông dân trong tỉnh chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản; tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, chính sách phát triển lâu dài cho hợp tác xã; Nhà nước cần mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết tiêu thụ sản phẩm; khó khăn trong việc di dời cơ sở sản xuất, xây dựng hạ tầng nhà máy vào cụm công nghiệp hoặc nơi sản xuất phù hợp quy hoạch…

Ông Huỳnh Phương Nam, nông dân phường Xuân Tân (thành phố Long Khánh), chia sẻ địa phương là vùng trồng cây chôm chôm, sầu riêng và trên thị trường có rất nhiều nơi, hộ dân bán nhưng lại không thống nhất được giá. Điều này khiến cho việc ổn định và bền vững thị trường rất bấp bênh. Sau một năm chăm sóc, người nông dân muốn bán sản phẩm với giá cả phù hợp, thống nhất nhưng không được, do vậy cần có “bàn tay” của Nhà nước để điều tiết.

Trong khi đó, ông Lương Văn Linh, chủ trại nuôi tôm ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), cho biết vùng có hàng chục hộ nuôi tôm, các hộ dân cần hàng chục tấn thức ăn mỗi ngày. Tuy nuôi nhiều tôm và tốn nhiều thức ăn nhưng vùng này chỉ có một con sông để cấp và thoát nước, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm về lâu dài; hơn nữa khi bị dịch bệnh dễ lây nhiễm. Ông Linh kiến nghị địa phương có giải pháp quy hoạch lại vùng nuôi một cách hợp lý, có đầu tư hệ thống cấp thoát nước giúp người dân làm ăn ổn định lâu dài.

Tương tự, ông Trương Lý Thành, nông dân huyện Xuân Lộc, cho hay nhu cầu bảo quản sản phẩm nông sản cực kỳ lớn. Hiện đã có một số doanh nghiệp tham gia vào bảo quản nông sản nhưng số lượng còn quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Nông dân chúng tôi mong muốn được Nhà nước đầu tư hoặc cho phép người dân đầu tư những kho lạnh, kho chế biến, kho bảo quản nông sản ngay trên khu vực sản xuất để vừa giảm chi phí, vừa bảo quản nông sản tốt nhất” - ông Thành nói.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh NGUYỄN TUẤN ANH cho rằng, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, phân bón giả kém chất lượng ảnh hưởng nặng đến nông dân. Do đó, cần tăng cường công tác quản lý và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng để tránh thiệt hại cho nông dân.

Cần liên kết trong sản xuất nông nghiệp

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngành nông nghiệp Đồng Nai vẫn phát triển khả quan. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt gần 24,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3,4% so với cùng kỳ. Nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu, góp thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời thông tin về tình hình diễn biến thị trường nông sản để doanh nghiệp, người dân có phương án sản xuất phù hợp. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được thực hiện như: lựa chọn sản phẩm tham dự Chương trình Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 5 hội chợ triển lãm để phát triển mở rộng thị trường…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận định, so với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai có nông nghiệp đa dạng và có khả năng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số mặt hàng về chăn nuôi, trái cây của Đồng Nai chiếm tỷ trọng đáng kể trong nông nghiệp cả nước, được xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới.

Vấn đề hiện nay là việc nâng cao chất lượng nông sản để có thể hội nhập, đưa hàng ra thị trường thế giới đang là câu chuyện thời sự của ngành nông nghiệp. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cũng như kết nối giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa cao…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, những kiến nghị của nông dân và các HTX là câu chuyện sát sườn để ngành nông nghiệp phối hợp với hội nông dân và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, cần phát huy lợi thế, chủ động liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao giá trị nông sản Đồng Nai.

Văn Gia

Bình luận