Tăng cường liên kết doanh nghiệp với nông dân

Bình luận · 76 Lượt xem

Ngày 19-7, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp UBND huyện Phúc Thọ tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

6 tháng đầu năm 2024, huyện Phúc Thọ gieo trồng 3.464/3.463ha; tổng đàn trâu bò đạt 7.889 con, sản lượng xuất chuồng 580 tấn; tổng đàn lợn 76.061 con, sản lượng xuất chuồng 7.400 tấn; tổng đàn gia cầm 1.429 nghìn con, sản lượng xuất chuồng gia cầm thịt 3.338 tấn, trứng gia cầm 80 triệu quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 877 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ngoài ra, huyện xây dựng nhiều mô hình khuyến khích phát triển nông nghiệp như: Sản xuất lúa chất lượng cao cơ giới hóa từ làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay cho đến gặt bằng máy gặt đập liên hợp tại các xã: Hát Môn, Trạch Mỹ Lộc, Liên Hiệp, Phúc Hòa;, triển khai chuỗi liên kết sản xuất dưa bao tử và ngô ngọt quy mô 41ha; hỗ trợ sản xuất hoa ly và loa kèn… Chăn nuôi được quy hoạch phát triển theo vùng tập trung xa khu dân cư, năm 2023 đã quy hoạch 11 khu chăn nuôi với diện tích 210ha.

Một số hợp tác xã của huyện Phúc Thọ tích cực đổi mới, mở rộng nhiều dịch vụ theo hướng liên doanh, liên kết như: Hợp tác xã nông nghiệp xã Long Xuyên triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa bao tử quy mô 10ha. Hợp tác xã nông nghiệp xã Vân Nam thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với cây chuối và cây bưởi, trong đó giống chuối Nam Mỹ 3ha, trồng mới 4ha bưởi Tam Vân và ghép cải tạo 2ha bưởi giống mới…

nho.jpg
Sản phẩm nho của huyện Phúc Thọ trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: Hương Giang

Tại diễn đàn, đại diện hộ sản xuất, hợp tác xã chia sẻ, đặt câu hỏi với các chuyên gia trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; mong muốn được liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; đề nghị cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, lãnh đạo có các giải pháp mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để phát triển. Việc ký kết hợp đồng giữa người dân với các đơn vị, các doanh nghiệp cần có cả chính quyền làm trung gian để bảo đảm cho thực hiện cam kết của hai bên trong suốt quá trình nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm.

Tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Thị Hương ghi nhận ý kiến đại biểu và cho biết, tiếp tục có những chương trình thiết thực, góp phần hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, hợp tác xã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ rủi ro.

ky-ket.jpg
Lễ ký kết giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Ảnh: Hương Giang

Các địa phương tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ hợp tác xã, đặc biệt là kỹ năng về thị trường, hội nhập; tập huấn, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Tại diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ...

Bình luận