Thị trường thú cưng thay đổi nhanh chóng cả chất và lượng

Bình luận · 91 Lượt xem

Thị trường thú cưng rất đa dạng, tiềm năng, đặc biệt ở các thành phố lớn của Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Khi đời sống vật chất nâng lên, nhu cầu tinh thần cũng ngày một nâng cấp, con người bắt đầu tìm kiếm những hoạt động khác để làm phong phú cuộc sống, trong đó có việc nuôi thú cưng.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Grand View Research, quy mô thị trường thú cưng toàn cầu được định giá đạt hơn 235 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt gần 369 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 5,92%.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thú cưng là sự thay đổi nhận thức về vai trò của thú cưng trong gia đình. 

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp thú cưng được đánh giá là có tiềm năng lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2021, ước tính số lượng thú cưng tại Việt Nam tăng từ 21 triệu con lên 27 triệu con, chủ yếu là chó, mèo, hamster, thỏ. Riêng với chó, mèo, hiện có khoảng 11,8 triệu con và dự kiến đến năm 2027, con số này sẽ tăng lên 16 triệu con.

TS. Nguyễn Bá Tiếp, Giảng viên Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, nuôi thú cưng là một trong những biểu hiện của phát triển kinh tế và thay đổi cách sống cũng như cách sinh hoạt của một số người, kéo theo đó tất cả những hoạt động liên quan đến nuôi thú cưng cũng thay đổi.

Trên thế giới, thú cưng được coi là một ngành công nghiệp thị trường, trong đó có sự tham gia của rất nhiều công ty ở các quy mô khác nhau với nhiều lĩnh vực hoạt động như: Thị trường nhân giống và cung cấp con giống, thức ăn, vacxin, thuốc thú y.

Ngoài ra, còn các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và những dịch vụ liên quan khác. Thị trường cung cấp thiết bị, máy móc, dụng cụ liên quan đến chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra còn có những dịch vụ liên quan đến vận chuyển, lưu trú, thậm chí là du lịch thú cưng.

Nhiều người nuôi thú cưng, vật nuôi chưa sử dụng thức ăn riêng biệt dành thú cưng, vật nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Nhiều người nuôi thú cưng, vật nuôi chưa sử dụng thức ăn riêng biệt dành thú cưng, vật nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Còn tại Việt Nam, TS. Nguyễn Bá Tiếp đánh giá, thị trường thú cưng rất đa dạng, tiềm năng, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong khoảng 5 năm trở lại đây, điều này vừa mở ra cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.

Số lượng người nuôi thú cưng ở nước ta tăng nhanh kéo theo thị trường liên quan đến thú cưng cũng thay đổi rất nhanh cả về số lượng và chất lượng.

TS. Nguyễn Bá Tiếp cho hay, hiện số lượng nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thú cưng đang trở nên đa dạng hơn về thể loại, phù hợp với nhiều đối tượng, chất lượng cũng cải thiện hơn. Đây là cơ hội để người nuôi thú cưng có thể chọn lựa phù hợp với điều kiện của mình.

Bên cạnh đó, ở thành thị, đô thị lớn, một số người sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thú cưng, vì vậy số lượng phòng khám thú y cũng tăng rất nhanh.

Ngoài ra, việc chăm sóc thú cưng ảnh hưởng đến quan điểm, thái độ của con người đối với động vật nói riêng, các sinh vật khác nói chung, rộng hơn là đối với thiên nhiên, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của con người.

Bên cạnh những cơ hội và mặt tích cực, theo TS. Nguyễn Bá Tiếp vẫn còn những mặt hạn chế. Thứ nhất, dù số lượng sản phẩm cho thú cưng ngày càng đa dạng nhưng các doanh nghiệp, bác sĩ thú y còn gặp một số khó khăn, rào cản trong việc đưa các sản phẩm này vào thị trường, đặc biệt là đối với những sản phẩm như thuốc, vacxin.

Hai là, nhiều người nuôi vẫn chưa hiểu rõ về đặc thù của thú cưng, vật nuôi, chưa sử dụng thức ăn riêng biệt, vẫn còn dùng thức ăn tự nấu.

Thứ ba, chưa đảm bảo cho thú cưng, vật nuôi những yêu cầu tối thiểu về mặt dinh dưỡng, vận động, tương tác với các cá thể cùng loài và con người, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có những bệnh truyền nhiễm lây truyền cho người và những tai nạn đáng tiếc khác.

Bình luận