Giấy phép không đúng vùng khai thác, ngư dân đành cho tàu nằm bờ

Bình luận · 86 Lượt xem

Nhiều ngư dân trong tỉnh đang gặp khó khăn trong sinh kế khi vùng khơi không có loại cá phù hợp hoặc giấy phép khai thác không đúng vùng đánh.

Không có cá ở nơi được đánh bắt

Ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) cho biết, thời gian qua lãnh đạo thị trấn nhận được nhiều đơn của bà con ngư dân có tàu cá đánh bắt trên 15m, giấy phép khai thác vùng khơi nghề lưới rê cá đổng, cá đục xin được khai thác vùng lộng vì sinh kế.

Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ khu phố Hải Hà 2, thị trấn Long Hải) cho biết, nhà ông có tàu cá trên 15m hành nghề lưới rê đánh bắt các loại cá đổng, cá đục ở vùng khơi. Tuy nhiên, đây là nghề này đánh bắt theo mùa, mà ở thời điểm này không có cá đổng, cá đục ở vùng khơi mà chỉ có ở vùng lộng.

"Chính vì thế, nếu không vào vùng lộng đánh bắt, sẽ ảnh hưởng sinh kế của 15 gia đình ngư dân trên tàu", ông Sơn ý kiến.

Do giấy phép không đúng vùng khai thác, tàu cá BV99549 TS của ông Lê Công Hùng (P.11, thành phố Vũng Tàu) phải kéo lên ụ nằm bờ hơn 10 ngày nay. Ảnh: Lê Bình.

Do giấy phép không đúng vùng khai thác, tàu cá BV99549 TS của ông Lê Công Hùng (P.11, thành phố Vũng Tàu) phải kéo lên ụ nằm bờ hơn 10 ngày nay. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, thị trấn Long Hải có 124 tàu cá có chiều dài hơn 15m hành nghề lưới rê cá đổng, cá đục. Mỗi tàu bình quân có khoảng 14 - 15 lao động. Theo giấy phép khai thác được cấp, các tàu cá này chỉ được đánh bắt vùng khơi, không được vào vùng lộng, nếu vào sẽ bị phạt nặng. Ông Sơn cùng 1 vài tàu cá khác vừa bị các lực lượng chấp pháp trên biển phạt 25 triệu đồng/tàu với lỗi đánh bắt sai vùng theo giấy phép.

"Hiện chúng tôi đều cho tàu nằm bờ. Mà không đi biển được, sinh kế của 124 tàu cá này, liên quan tới hơn 1.800 hộ gia đình thuyền viên ai lo? Đó chỉ là mới tính mức ảnh hưởng của 1 xã, cả tỉnh và cả nước là bao nhiêu nữa?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Không chỉ ở thị trấn Long Hải, tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cũng có hàng trăm trường hợp tương tự. 

Tàu cá của ông Nguyễn Thanh Việt (phường 12, thành phố Vũng Tàu) cũng kéo lưới lên nằm bờ do giấy phép không đúng vùng khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Tàu cá của ông Nguyễn Thanh Việt (phường 12, thành phố Vũng Tàu) cũng kéo lưới lên nằm bờ do giấy phép không đúng vùng khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Vùng khai thác không đúng với giấy phép

Bên cạnh đó, nhiều tàu cá khác cũng đang gặp khó khăn khi đi đánh bắt hải sản vì giấy phép mới được cấp không trùng với vùng khai thác ngành nghề của họ.

Bà Nguyễn Thị Thủy ở phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, gia đình bà có một tàu cá dài trên 19m, công suất 345CV đánh bắt nghề cá cơm với 14 lao động. Trước năm 2017, khi bà tham gia Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng (thành phố Vũng Tàu) thì giấy phép được cấp cho tàu cá nhà bà là đánh bắt tuyến bờ.

Đường ranh giới phân vùng đánh bắt của cả nước với màu tím là vùng lộng. Ảnh: Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đường ranh giới phân vùng đánh bắt của cả nước với màu tím là vùng lộng. Ảnh: Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Vì chỉ ở tuyến bờ mới có cá cơm, nhưng nay giấy phép mới được cấp cho tàu cá chúng tôi lại đánh bắt vùng khơi, do tàu trên 15m. Mà vùng khơi làm gì có cá cơm?”, bà Thủy đặt câu hỏi.

Do giấy phép không đúng vùng khai thác nên tàu cá nhà bà Thủy nằm bờ, 14 lao động thất nghiệp, gia đình không có thu nhập.

Theo ông Trần Đức Hội, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng, hiện nghiệp đoàn có gần 30 thành viên với hơn 30 tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm, tổng số lao động khoảng 450 người. Các tàu cá này đều có chiều dài trên 15m nên giấy phép mới được cấp lại trong tháng 5/2024 đều là giấy phép hành nghề lưới rê, cá cơm đánh bắt ở vùng khơi.

Ngư dân Lê Tấn Sơn (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) kiến nghị cho tàu lưới rê cá đổng, cá đục trên 15m được đánh bắt vùng lộng trong thời điểm này do vùng khơi không có cá mong muốn khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Ngư dân Lê Tấn Sơn (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) kiến nghị cho tàu lưới rê cá đổng, cá đục trên 15m được đánh bắt vùng lộng trong thời điểm này do vùng khơi không có cá mong muốn khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Ông Hội cho biết, cá cơm chỉ sinh sống ở vùng ven bờ với vòng đời từ 1-2 năm vùng khơi hoàn toàn không có nên 30 tàu cá này không thể hoạt động tiếp với giấy phép mới được cấp, chỉ có thể nằm bờ. Nếu đi sẽ đánh bắt sai vùng, sai luật quy định và ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng IUU của ngư dân cả nước.

"Nhưng nếu không đi biển thì 450 hộ gia đình với khoảng 1.800 người sẽ bị ảnh hưởng sinh kế. Chính vì thế, chúng tôi thiết tha mong chính quyền xem xét lại việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho nghề đặc thù cá cơm của nghiệp đoàn chúng tôi", ông Hội kiến nghị.

Nghề cá có trách nhiệm

Không chỉ nghề cá cơm, các nghề lưới ghẹ, bẫy mực, ốc các loại cũng đang gặp khó khăn khi vùng khai thác của các nghề này ở vùng lộng nhưng giấy phép cấp ở vùng khơi.

Ông Võ Xuân Toàn (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) có 3 tàu cá dài từ 16 - 18m làm nghề bẫy bạch tuộc bằng vỏ các loại ốc. Ông Toàn cùng 5 chủ tàu cá khác làm cùng ngành nghề vừa gửi đơn lên các cơ quan chức năng xin xem xét lại việc cấp giấy phép cho ngành nghề này.

“Đây là nghề thân thiện với môi trường, dùng các loại vỏ ốc lớn như ốc giác dẫn dụ bạch tuộc vào trú ẩn để bắt, không dùng bất cứ tác động ngoại lực nào để phá hoại môi trường. Mà ở vùng khơi nước sâu không có bạch tuộc, chỉ vùng lộng mới có nên giấy phép cấp làm ở vùng khơi chúng tôi không đi biển được”, ông Toàn thông tin.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Luật Thủy sản năm 2017 quy định tàu cá có chiều dài trên 15m đánh bắt vùng khơi, nhằm đảm bảo cường lực khai thác ở từng vùng biển phù hợp với khả năng nguồn lợi ở vùng đó, từ đó bảo đảm việc khai thác có hiệu quả, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Chính vì thế, những tàu cá đánh bắt sai vùng sẽ bị phạt rất nặng.

"Theo Nghị định 38/NĐ-CP, mức phạt tàu cá vi phạm đánh bắt sai vùng từ 15 - 20 triệu đồng với tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, 20 - 30 triệu đồng với tàu từ 15 - 24m và phạt từ 30 - 40 triệu đồng với tàu cá có chiều dài hơn 24m", ông Văn trích dẫn.

Nhiều tàu cá của Nghiệp đoàn cá cơm Hải Đăng (thành phố Vũng Tàu) cũng nằm bờ trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan, tranh thủ kéo lên ụ bảo trì. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều tàu cá của Nghiệp đoàn cá cơm Hải Đăng (thành phố Vũng Tàu) cũng nằm bờ trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan, tranh thủ kéo lên ụ bảo trì. Ảnh: Lê Bình.

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, nguồn lợi hải sản đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá mức cho phép, vượt khả năng tái tạo nguồn lợi. Chính vì thế, Nhà nước đưa ra các quy định đánh bắt hải sản để quản lý cường lực khai thác ở từng vùng biển phù hợp với khả năng nguồn lợi ở vùng đó, từ đó bảo đảm việc khai thác có hiệu quả và phát triển một nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Đối tượng khai thác phân bố ở các vùng biển theo điều kiện thuận thiên nhiên. Đối tượng (loài) khai thác như cá cơm, ốc hương... chỉ phân bố ở vùng biển nhất định và có thể bị khai thác bởi các nghề nhất định như lưới vây, bẫy. Chính vì thế, Luật Thủy sản năm 2017 quy định vùng hoạt động theo kích thước tàu.

"Các nghề này không nhất thiết phải phải vận hành bởi các tàu có kích thước lớn hơn 15m. Vì vậy, các tàu có chiều dài hơn 15m có thể sử dụng các loại nghề khác để hoạt động khai thác các loài khác ở vùng khơi, không vào vùng lộng và ven bờ sẽ làm gia tăng cường lực khai thác và cạnh tranh với các tàu nhỏ hơn, khai thác cùng đối tượng”, ông Hải giải thích.

Tổng số tàu cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay là 4.479 tàu, trong đó tàu trên 15m hoạt động vùng khơi là 2.730 tàu (chiếm 60,95%). Trong 2.730 tàu trên 15m hoạt động vùng khơi, nghề lưới kéo chiếm 46,7%; nghề lưới rê chiếm 17%, còn lại là các nghề lưới vây (10,7%), nghề câu (7,9%), nghề chụp, lồng bẫy…

Bình luận