Thái Lan: Việc tiêu diệt cá rô phi cằm đen có thể mất 3 năm

Bình luận · 59 Lượt xem

Cục Thủy sản Thái Lan cho biết việc tiêu diệt cá rô phi cằm đen (blackchin) ngoại lai bằng biện pháp thả cá biến đổi gen có thể sẽ mất 3 năm.

Cục trưởng Cục Thủy sản Thái Lan Bancha Sukkaew cho biết cá rô phi cằm đen đực sẽ được chỉnh sửa gen để khi chúng giao phối sẽ sinh ra cá con vô sinh. Cục sẽ thả ít nhất 250.000 con cá đực biến đổi gen trong vòng 15 tháng, bắt đầu từ tháng 12. Ông Bancha cho rằng biện pháp này sẽ làm giảm đáng kể số lượng cá ngoại lai trong vòng 3 năm.

Bên cạnh các giải pháp lâu dài, Cục Thủy sản đang thu mua cá rô phi cằm đen từ người dân với giá 15 baht/kg, cao hơn so với giá thị trường hiện ở mức 7 - 10 baht, đồng thời quảng bá các món ăn làm từ loại cá này. Cục cũng sẽ thả các loài cá săn mồi để tiêu diệt cá rô phi cằm đen.

Hồi năm 2010, 2.000 con cá rô phi cằm đen được nhập khẩu từ Ghana bởi CP Foods (CPF), công ty con thuộc tập đoàn kinh doanh nông nghiệp Charoen Pokphand. Công ty này đã có giấy phép nghiên cứu loài cá này để nhân giống tại trung tâm nghiên cứu của mình ở tỉnh Samut Songkhram.

CPF sau đó thông báo với Cục Thủy sản rằng số cá trên đã chết trong vòng ba tuần sau khi được đưa đến Thái Lan và đã được tiêu hủy. Tuy nhiên, loài cá này sau đó bắt đầu xuất hiện ở các tuyến đường thủy địa phương và khi số lượng của chúng tăng lên, các loài cá bản địa bắt đầu giảm về số lượng.

Cục Thủy sản đầu năm nay đã phát hiện một số lượng lớn cá rô phi cằm đen ở Bangkok, Samut Prakan, Samut Sakhon, Samut Songkhram và Phetchaburi. Các xét nghiệm DNA xác nhận rằng tất cả số cá trên đến từ cùng một đàn bố mẹ.

Loài cá này sau đó cũng xuất hiện với số lượng lớn ở 11 tỉnh khác: Chanthaburi, Rayong, Chachoengsao, Ratchaburi, Prachuap Khiri Khan, Chumphon, Surat Thani, Nakhon Si Thammarat, Songkhla, Nakhon Pathom và Nonthaburi.

Cục trưởng Cục Thủy sản Bancha Sukkaew ăn cá rô phi cằm đen rán tại cuộc họp báo hôm 17/7. Ảnh: Bangkok Post.

Theo truyền thông địa phương, CPF khẳng định rằng họ đã xử lý tất cả cá rô phi cằm đen theo đúng quy trình vào năm 2011.

Trong một tài liệu đệ trình lên Ủy ban Khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới của Hạ viện, công ty này cho biết họ đã chấm dứt chương trình nghiên cứu cá rô phi cằm đen vì loài cá này có tỷ lệ chết cao. Số cá còn lại bị tiêu diệt bằng clo đặc, xác của chúng được đem chôn đúng quy trình và các mẫu vật được bảo quản đã được bàn giao cho Cục Thủy sản.

Công ty phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc loài cá này xuất hiện ngày một nhiều trong thời gian gần đây, được cho là bắt đầu vào năm 2017 và đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.

Bình luận