Chiều 17/7/2024 tại TP. Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Hội thảo Tham vấn chuyên gia về đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 18/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu, chỉ số, hình thức đánh giá, xếp hạng “môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Trên cơ sở đó, mục tiêu Hội thảo nhằm thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển hài hòa với mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó đưa hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nhất là có giải pháp khả thi về thay đổi tư duy, đặt trọng tâm ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh đối với mô hình tổ chức này, tạo thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng…
Nhiều bài tham luận của các chuyên gia được đánh giá cao tại hội thảo, xoay quanh các vấn đề: Bản chất đặc trưng, vai trò và sự cần thiết thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của PGS.TS. Chu Tiến Quang - Nguyên Trưởng ban Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;
Luật Hợp tác xã năm 2023 và các điều kiện thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với hợp tác xã của ông Lưu Ngọc Lương - Trưởng phòng, Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách thúc đẩy môi trường kinh doanh đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày;
Một số kết quả ban đầu: Nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu, chỉ số, hình thức đánh giá, xếp hạng “môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp” của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp đánh giá cao tại Hội thảo, gồm: Thay đổi tư duy nhằm đem tới sự hài lòng cho hợp tác xã và người dân; Lựa chọn các mục tiêu ưu tiên theo định hướng phát triển và đặc thù của từng địa phương và giải pháp lộ trình rõ ràng; Các sở ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của mình; Cải thiện chất lượng dịch vụ công; Mở rộng và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã; Cơ chế đối thoại, tiếp nhận vướng mắc và giải đáp các vấn đề, kiến nghị từ hợp tác xã; Cơ chế, theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập; Cơ chế khuyến khích, tạo động lực và truyền cảm hứng để có các ý tưởng đổi mới, cải cách về môi trường kinh doanh; Kết nối và chia sẻ từ hợp tác xã, các thành viên và truyền thông hiệu quả.
Hiện cả nước có 20.500 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,7% hợp tác xã thành lập, có 24,5% hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản. Số hợp tác xã thành lập mới năm 2023 là 2.986 hợp tác xã (tăng 291 hợp tác xã và tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân mỗi tháng có 250 hợp tác xã được thành lập mới.