Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác của tỉnh ta đã tăng gần 60 triệu đồng/ha trong 10 năm qua (từ 96,6 triệu đồng/ha năm 2013 lên 155 triệu đồng/ha năm 2023). Có được kết quả đó là do thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, liên kết theo chuỗi, gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.
Những chuyển đổi mang tính bước ngoặt
Những ngày cuối năm, khi hầu hết các cánh đồng đang nằm im lìm chờ vụ mới thì khu đồng Ải thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô lại mơn mởn một màu xanh của ngô non mới trỉa. Bà Tống Thị Lài (xóm 2, thôn Ngọc Lâm) chia sẻ: Ở đây, chúng tôi làm 4 vụ nên đất chẳng được nghỉ ngày nào. Khu này mấy hôm trước vừa thu hoạch lạc đông xong giờ trồng ngô, ra tháng Giêng ngô cho thu hoạch thì lại trồng cây đậu tương rau và cuối cùng là đậu đỗ. Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn không bỏ vụ nào bởi mỗi lứa ít nhất cũng thu về 3-4 triệu đồng/sào, gia đình nào có 4-5 sào coi như đủ ăn, đủ tiêu.
Trao đổi với anh Tống Văn Lợi, Giám đốc HTX Bắc Yên được biết: Trước đây, các khu đất màu của HTX chỉ trồng được 2 vụ, khéo lắm thì được 3 vụ/năm, giá trị sản xuất khoảng 150-160 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ sự hỗ trợ của Phòng nông nghiệp và PTNT và các đơn vị nghiên cứu đưa các giống cây hàng hóa, ngắn ngày có giá trị cao về kết hợp với việc tính toán thời vụ hợp lý đã giúp chúng tôi tăng thời vụ sản xuất lên 4 vụ/năm. Cái hay của mô hình này là việc bố trí thời gian gieo trồng trong cả 4 vụ đều "lệch pha" so với thời vụ chính từ 25- 30 ngày. Do vậy, các sản phẩm thu được đều là "trái vụ" và bán được giá hơn. Một yếu tố quan trọng nữa tạo nên thành công của mô hình đó là tất cả diện tích thực hiện đều được các doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm nên cho giá trị cao và ổn định, bình quân khoảng 330 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với trước.
Được biết, hiện nay không chỉ có Yên Lâm mà mô hình 4 vụ đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác có quỹ đất màu, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Tăng cường thâm canh quay vòng đất chỉ là một trong nhiều giải pháp mà ngành Nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân đã thực hiện nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.
Đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nếu như năm 2013, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của tỉnh mới đạt 96,6 triệu đồng/ha thì 10 năm sau con số này ước đạt 155 triệu đồng/ha, như vậy bình quân mỗi năm tăng gần 6 triệu đồng. Kết quả này có được là do thời gian qua, Ninh Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển toàn diện các lĩnh vực, ngành hàng, từ lúa gạo, cây ăn quả, rau màu đến thủy sản...
Cụ thể, trong sản xuất lúa là đối tượng cây trồng chủ đạo, chúng ta chuyển mạnh cơ cấu giống, đi từ năng suất sang chất lượng. Nếu như trước đây diện tích lúa lai chiếm khoảng 60% cơ cấu thì nay diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản lại chiếm ưu thế với gần 80%, gắn với đó là các chuỗi liên kết sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ. Đối với cây vụ đông, gần đây, các địa phương cũng không chạy theo số lượng mà đi vào chiều sâu, tạo dựng các chuỗi liên kết sản xuất có giá trị cao như chuỗi ngô ngọt, rau chân vịt...
Đối với cây ăn quả, bên cạnh cây dứa đã khẳng định được vị thế cũng hình thành thêm một số vùng chuyên canh khác như: na, chuối, cây có múi quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 7 nghìn ha, các hình thức chuyển đổi gồm chuyển từ trồng lúa sang cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Các hình thức này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với cấy lúa thông thường. Ngoài ra, gần đây nổi lên một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch đem lại lợi ích kép cho người nông dân, khi vừa thu lợi nhuận từ nông sản vừa thu hút khách tham quan, chụp ảnh trải nghiệm như: mô hình trồng nho Hạ đen và mô hình trồng sen thâm canh...
Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục có những bước tiến nhảy vọt cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Đối với thủy sản nước ngọt, hình thức nuôi đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao, giúp đưa năng suất nuôi thủy sản nước ngọt bình quân hiện nay lên khoảng 10-15 tấn/ ha/năm.
Đặc biệt, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống thì các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đối tượng thủy sản đặc sản cũng được người nuôi ưu tiên lựa chọn như nuôi trai lấy ngọc, ếch, ba ba, ốc nhồi, chạch, tôm càng xanh. Đối với thủy sản ven biển, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt tăng mạnh, đạt khoảng gần 100 ha. Nhờ sản xuất được 3 vụ/năm nên giá trị của các diện tích này gấp 5-10 lần nuôi quảng canh thông thường.
Ngoài ra, sản xuất giống nhuyễn thể (ngao, hàu) tiếp tục là lợi thế của tỉnh, năng suất và sản lượng đều tăng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt rất cao, khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình đạt tới 800 triệu đồng-1 tỷ đồng/ha/năm.
Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cá nhân, đơn vị mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, như: sản xuất nông nghiệp an toàn trong nhà màng, nhà lưới; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhỏ giọt... Hiện, toàn tỉnh có khoảng 110 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa, quả theo hướng công nghệ cao; có 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 75 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 102 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đây chính là động lực gia tăng giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Lấy lợi nhuận của người nông dân là thước đo
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của tỉnh ta như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, lao động tại địa phương. So với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình mới đang ở nhóm trung bình. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thực sự mạnh, lượng hàng hóa chưa nhiều; diện tích cánh đồng lớn còn ít; doanh nghiệp tham gia chưa nhiều; cam kết giữa doanh nghiệp, nông dân chưa chặt chẽ, sản lượng thu mua còn thấp; chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao và chưa có thương hiệu; phần lớn nông sản xuất khẩu sơ chế, vì vậy giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh thấp.
Để tiếp tục tăng nhanh, tăng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Con đường phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh ta hiện nay và những năm tới vẫn là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Không chỉ lấy giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác mà quan trọng hơn là lợi nhuận cuối cùng của người nông dân làm thước đo cho sự phát triển.
Trên cơ sở 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái đã được xác định là: vùng đồi, núi, bán sơn địa; vùng trũng, vùng đồng bằng, vùng ven đô thị, vùng ven biển, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ định hướng, hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản phù hợp gắn với xây dựng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng các giống đặc sản, chất lượng cao gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị, mục tiêu tới đây nông dân không phải lo phơi thóc nữa mà bán lúa tươi ngay tại đầu bờ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nghiên cứu, tìm tòi đưa thêm các giống mới, cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào để thay thế các cây trồng không còn phù hợp.
Tiếp tục đưa thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng, khai thác và sản xuất giống; phát triển đồng đều cả nuôi nước mặn lợ và nuôi nước ngọt theo hướng công nghiệp, tạo sản phẩm có giá trị cao, đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, nông-lâm kết hợp, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng các giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Chú trọng hơn nữa công nghiệp chế biến và tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả sử dụng phế, phụ phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tập trung hỗ trợ máy móc cho các khâu cơ giới hóa còn thấp như: khâu gieo cấy, khâu sơ chế biến, máy cuộn rơm, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ khu vực nông thôn; tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu